Tin mới

Hà Nội với những giải pháp tích cực, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ​

(Mặt trận) - Qua 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thành phố Hà Nội đã từng bước tạo dựng niềm tin và trở thành niềm tự hào của người tiêu dùng Thủ đô về thương hiệu Việt. Bước sang năm 2019, một chặng đường mới mở ra với những thách thức mới về cạnh tranh chất lượng, giá thành sản phẩm, về chính sách bảo hộ các thương hiệu Việt, đầu tư cho các sản phẩm công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp…

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương dự kiến hỗ trợ xây dựng 185 nhà 'đại đoàn kết' cho hộ nghèo

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai lần thứ 13 khóa XV

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Công thương thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai chương trình hành động của Bộ Công thương và Kế hoạch triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ban chỉ đạo thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo cuộc vận động của quận, huyện, thị xã tổ chức tốt khu trưng bày, giới thiệu hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt của thành phố với quy mô 50 gian trưng bày tại khu nhà Bát giác, Quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Đây là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường 10 năm thực hiện cuộc vận động của thành phố Hà Nội. Cùng đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên đa dạng các kênh thông tin và truyền thông: gần 100 tin, bài, phóng sự trên 20 đầu báo, truyền hình Trung ương và Hà Nội; treo gần 1 nghìn baner dọc các tuyến phố; tuyên truyền trên xe buýt, roadshow xe đạp trên các tuyến phố; in phát hơn 30 nghìn tờ rơi; tuyên truyền trên mạng xã hội facebook với hơn 50 tin, bài, video với hơn 2 triệu người tiếp cận thông tin; duy trì tổng đài 024.1081 – kênh giải đáp thông tin về Luật và các vấn đề liên quan đến các nội dung triển khai về quyền của người tiêu dùng nhân “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”.

Tích cực triển khai cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng Việt

Sở Công thương thành phố Hà Nội đã tích cực tham mưu các kế hoạch về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; lập, quản lý và sử dụng kinh phí chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; làm việc với Ban quản lý Khu công nghiệp Phú Nghĩa về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; xây dựng kế hoạch cho việc bình chọn các doanh nghiệp tiêu biểu về sản phẩm công nghiệp chủ lực vào cuối năm 2019.

Nhằm đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở phối hợp với các sở, ngành thành phố hoàn thiện Quy chế quản lý và mức chi hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quy chế lập, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 cụm công nghiệp đã có quyết định trong năm 2018 (Cụm công nghiệp Thiết Bình, Cụm công nghiệp Đình Xuyên, Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng, Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc, Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên) và 3 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong tháng 4/2019 (Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn – giai đoạn 2, Cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu, Cụm công nghiệp làng nghề Cầu Bầu – giai đoạn 2); phối hợp hỗ trợ các chủ đầu tư đăng ký đầu tư cụm công nghiệp hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định thành lập 17 cụm công nghiệp.

Xây dựng Kế hoạch “Hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề” trình Ủy ban nhân dân thành phố; hướng dẫn các quận, huyện, thị xã đăng ký hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề, xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; triển khai chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố; triển khai kế hoạch khảo sát, lựa chọn nhóm sản phẩm, địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm Chương trình mỗi xã hội một sản phẩm (OCCP) giai đoạn 2019 – 2020, đến nay đã có văn bản đăng ký hỗ trợ xây dựng thương hiệu 7 làng nghề thuộc các huyện: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì; tiếp nhận 49 bộ hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp tổ chức các chương trình tọa đàm, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp: Tọa đàm giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản về xử lý bề mặt, xử lý nhiệt và nguyên vật liệu gia công khuôn mẫu đối với sản phẩm xuất khẩu; Tập huấn về phổ biến Thông tư của Bộ Công thương quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP); Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com”; Tọa đàm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công thương.

Đẩy mạnh phát triển, xây dựng hạ tầng thương mại, thương mại điện tử

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phát triển hạ tầng thương mại, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để triển khai các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố. Đến nay, toàn thành phố có 140 siêu thị, 24 trung tâm thương mại, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi; 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 56 chợ hạng 2, 352 chợ hạng 3. Hiện Sở đang tham mưu thành phố thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ triển khai khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng Chợ đầu mối quốc tế nông sản tại thành phố Hà Nội. Chợ dự kiến triển khai trên diện tích 155 ha tại địa bàn xã Yên Thường, huyện Gia Lâm do Chính phủ Pháp tài trợ không hoàn lại với số vốn khoảng 415.000 Euro, tương đương 11.205 tỷ đồng, thời gian thực hiện quý 2/2019 – quý 2/2020.

Tiếp tục phát triển thương mại điện tử thành phố; vận hành website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ http://bandomuasam.hanoi.gov.vn, cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực…; phối hợp Bộ Công thương giải quyết thủ tục về đăng ký, thông báo website thương mại điện tử theo thủ tục hành chính công mức độ 4, lũy kế đến tháng 5/2019, toàn thành phố có 9.510 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và chấp thuận thông báo đăng ký hoạt động. Liên tục trong 5 năm gần đây, Hà Nội là một trong hai thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam.

Triển khai mạng lưới máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng toàn thành phố đến năm 2020, nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống bán lẻ, dần thay thế cho các hình thức bán hàng rong, bán dạo trên phố. Hệ thống máy được lắp đặt tại các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người: công viên, vườn hoa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, rạp chiếu phim, nhà ga, nhà chờ xe khách, sân bay, trung tâm thương mại… Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ thành công ban đầu trong thí điểm lắp máy bán hàng tự động tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận cho thấy hình thức bán lẻ có nhiều ưu điểm. Để phát triển loại hình thương mại này, phấn đấu đến năm 2020, lắp đặt 1.000 máy bán hàng tự động trên toàn thành phố, trước hết thực hiện lắp đặt khu vực trung tâm tại các quận, sau lắp dần ra các huyện; việc lắp đặt sẽ qua đấu thầu hoặc thỏa thuận, đáp ứng các tiêu chí của thành phố về máy bán hàng, sản phẩm, hàng hóa trưng bày… Trong thời gian tới, mạng lưới bán hàng tự động sẽ được tích hợp vào hệ thống website bản đồ mua sắm của thành phố và các bản đồ khác, phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Tổ chức nhiều hoạt động để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng

Trong suốt thời gian trước, trong và sau dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng cao, Sở chuẩn bị nguồn hàng phong phú, đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả, an toàn thực phẩm… Duy trì hoạt động của 200 điểm bán các mặt hàng thiết yếu và cửa hàng bán lẻ xăng dầu; tổ chức 64 điểm chợ Hoa Xuân; tổ chức Hội chợ Tết với 150 gian hàng của 115 doanh nghiệp, 21 quận, huyện thành phố Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố; phối hợp tổ chức Chợ Tết quy mô gần 1.000m2 trên địa bàn huyện Ứng Hòa; vận động các doanh nghiệp tổ chức 125 chuyến hàng lưu động về các huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức bán hàng bình ổn tại 10.688 điểm bán hàng bình ổn thị trường; 768 điểm bán trái cây an toàn trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với các tỉnh triển khai hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản của các địa phương trên địa bàn Hà Nội, như: Tuần lễ xoài và nông sản an toàn của Sơn La, Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nông sản, trái cây và thủy sản tỉnh Lào Cai.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (từ ngày 22/5 – 26/5/2019), Sở đã phối hợp vận động các doanh nghiệp Hà Nội tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ, giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô và du khách.

Một số giải pháp nhằm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai hiệu quả Hội chợ hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2019, dự kiến tổ chức từ ngày 26/9-30/9/2019 với quy mô từ 250-300 gian hàng tại Quảng trường sân vận động Thị xã Sơn Tây; tổ chức bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích”; triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thông tin, vận động các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề tham gia Chương trình đưa hàng Việt về khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ làng nghề.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Thủ đô. Tổ chức giao ban hiệu quả tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp; triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, chương trình công nghiệp hỗ trợ.

Triển khai các chương trình khuyến công, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề đẩy mạnh sản xuất với các sản phẩm chất lượng, xây dựng, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

Thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng ngành Công thương, chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, nhằm kích thích sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, góp phần cân đối cung cầu, hạn chế tốc độ gia tăng giá, bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Phối hợp thực hiện kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm việc kinh doanh tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hàng hóa từ nước ngoài gắn mác hàng Việt Nam.

Đặng Hồng Vân

Tạp chí Mặt trận

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản