Tin mới

Công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh Lai Châu từ năm 2011 đến nay và giải pháp trong thời gian tới

(Mặt trận) - Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Trong những năm qua, công tác đối ngoại nhân dân luôn được xem là bộ phận cấu thành quan trọng trong công tác đối ngoại của tỉnh; góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, chủ trương công tác đối ngoại của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Lai Châu.

Mặt trận Tổ quốc thị xã Nghĩa Lộ phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Thuận cần lựa chọn những người có tâm huyết tham gia công tác Mặt trận

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Kết quả công tác đối ngoại nhân dân từ năm 2011 đến nay

Về việc thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân

Nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” tỉnh Lai Châu đã ban hành Chương trình hành động số 18-Ctr/TU ngày 23/9/2011 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, quán triệt theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW và Chương trình hành động số 18-Ctr/TU đến đội ngũ cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành đối với công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Tỉnh đã chỉ đạo Đại hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh theo Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 9/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Liên hiệp bao gồm 1 chủ tịch là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; 2 phó chủ tịch là Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các tổ chức thành viên gồm: Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh được tỉnh giao thực hiện công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn.

Ngày 27/9/2016, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Quyết định số 238-QĐ/TU ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trên địa bàn.

Về thành tựu công tác đối ngoại nhân dân

Thứ nhất, hoạt động đối ngoại nhân dân của tỉnh Lai Châu được thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, sự quản lý chặt chẽ của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành những văn bản chỉ đạo phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan ngành dọc ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nhằm nắm bắt kịp thời xu thế, tình hình đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bám sát các kế hoạch, chương trình hoạt động về công tác đối ngoại nhân dân ở Trung ương để tham mưu triển khai tổ chức các hoạt động trong tỉnh. Từ đó, thực hiện tốt hoạt động đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối tác; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước; củng cố và tăng cường tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng.

Với sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, sự quản lý chặt chẽ và thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh đã định hướng hiệu quả cho hoạt động đối ngoại nhân dân và giúp khẳng định vị trí, vai trò, cũng như những thành tựu đạt được của hoạt động đối ngoại nhân dân thời gian qua và những năm tới.

Thứ hai, hoạt động đối ngoại nhân dân được thực hiện bởi một lực lượng đa dạng.

Lực lượng chủ chốt tham gia thực hiện các hoạt động đối ngoại nhân dân là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Lai Châu với vai trò đầu mối, lực lượng chủ lực. Cùng với Liên hiệp là Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cùng các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn (bao gồm: Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân). Ngoài ra, hoạt động đối ngoại nhân dân không chỉ tập trung và thông qua các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, mà còn được triển khai thực hiện ở tất cả các huyện, thành phố và đến tận các xã, thôn, bản (nhất là các huyện, các xã, thôn, bản biên giới).

Nhiều cơ quan, trường học, các đơn vị sự nghiệp… hoạt động tích cực trong công tác vận động và sử dụng vốn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các hợp tác quốc tế được xúc tiến mạnh mẽ.

Rõ ràng, với lực lượng đông đảo, hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, Lai Châu đã giữ vững và ngày càng củng cố mối quan hệ hữu nghị với nước láng giềng (tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào,…), có thêm những đối tác mới (Hàn Quốc, Thái Lan,…), tranh thủ được nhiều nguồn viện trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội Lai Châu.

Thứ ba, hoạt động đối ngoại nhân dân được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức đa dạng.

Về hoạt động giao lưu nhân dân: từ năm 2011 đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức: 30 hoạt động giao lưu nhân dân với các địa phương của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc (gồm 18 hoạt động tổ chức tại tỉnh Lai Châu, 12 hoạt động tổ chức tại tỉnh Vân Nam - Trung Quốc); 33 hoạt động giao lưu nhân dân với các tỉnh U Đôm Xay, Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Về hoạt động kết nghĩa hai bên biên giới: Tỉnh đã chỉ đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ cho các đồn, trạm biên phòng, các thôn, bản kết nghĩa hai bên biên giới.

Mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” giữa Việt Nam và Trung Quốc tại tỉnh Lai Châu được lãnh đạo hai địa phương thực hiện từ năm 2014, nhằm gắn kết mối quan hệ giữa nhân dân vùng biên giới, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh vùng biên. Mô hình thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, trở thành điểm sáng trong công tác ngoại giao nhân dân, qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, cùng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Về hoạt động quyên góp ủng hộ: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức tại một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quyên góp ủng hộ cho các hoạt động của lưu học sinh Lào đang học tập tại trường Trung cấp Y tế tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường quan tâm đến chất lượng dạy và học, đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu ngoại khóa, giúp các em hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Việt Nam và quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Về hoạt động giao lưu với các tình nguyện viên: Chỉ đạo tổ chức 6 hoạt động giao lưu với các tình nguyện viên Hàn Quốc đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 1 hoạt động giao lưu với các tình nguyện viên đến từ Hàn Quốc vào hoạt động tình nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; tổ chức thăm hỏi người nước ngoài gặp nạn đang điều trị tại Bệnh viện tỉnh; cử cán bộ đi tham dự Liên hoan hữu nghị Việt Nam - Thái Lan được tổ chức tại tỉnh Khỏn Kèn (Thái Lan).

Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp đón tiếp 6 đoàn làm phim của Công ty sản xuất chương trình truyền hình Eccholine (Bỉ) đến Việt Nam, ghi lại trải nghiệm của các cặp đôi tham gia chương trình tự đi du lịch đường bộ nhằm tìm hiểu, khám phá đất nước, con người Việt Nam.

Về công tác vận động nguồn lực và hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài: Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tổ chức đón tiếp 321 đoàn/1.751 lượt người của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tìm hiểu, khảo sát, triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh với giá trị cam kết viện trợ trên 131 tỷ đồng. Lĩnh vực viện trợ tập trung chủ yếu là giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường, sinh kế, ứng phó với biến đổi khí hậu… Các hoạt động dự án đã góp phần đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân vùng khó khăn, đặc biệt là các huyện biên giới: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ.

Thông qua Hội hữu nghị Việt - Trung Trung ương, đã vận động nguồn tài trợ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tài trợ xây dựng một số hạng mục cho học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS số 2 Bản Lang - xã Bản Lang - huyện Phong Thổ trị giá 2,9 tỷ đồng; thông qua Công đoàn Bộ Ngoại giao đã vận động từ Quỹ Phu nhân các đại sứ tại Nhật Bản tài trợ cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh với tổng kinh phí là 204 triệu đồng; thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã vận động các nhà hảo tâm tại Hà Nội tặng 1.000 suất quà cho học sinh và một số hộ gia đình khó khăn tại xã Phìn Hồ của huyện Sìn Hồ và xã Lả Nhì Thàng của huyện Phong Thổ.

Về hoạt động thông tin tuyên truyền: Công tác thông tin tuyên truyền cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại nhân dân. Thông qua các tin, bài trên cổng thông tin đối ngoại và các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; các đoàn khách nước ngoài đến công tác tại tỉnh; các đoàn của tỉnh đi công tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài; các phóng viên trong và ngoài nước tác nghiệp tại tỉnh tiếp cận, hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại nói chung và công tác đối ngoại nhân dân nói riêng, giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đồng thời tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ của bạn bè thế giới.

Bên cạnh những thành quả đạt được, tình hình công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian qua cũng còn tồn tại một số hạn chế, như: Một số cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chưa thật sự quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân; trong việc thực hiện còn thụ động, chồng chéo và thiếu sự phối hợp. Kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động còn hạn chế nên ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai các hoạt động thường xuyên của công tác đối ngoại nhân dân. Cán bộ chuyên trách của Liên hiệp không được xếp loại công chức (theo Quyết định số 41/2013/QĐ-TTg, ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ) mà xếp loại viên chức, do đó ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi và tâm lý của cán bộ chuyên trách.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian tới

Trong tình hình thế giới hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, tuy nhiên dự báo trước tình hình trong nước, khu vực và quốc tế sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực phản động, phần tử cơ hội chính trị sẽ tăng cường các hoạt động chống phá ta, lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý nhà nước, vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; các tồn tại, hạn chế, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội để xuyên tạc, làm nhân dân giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Xuất phát từ thực tế trên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập quốc tế, bám sát, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đối với công tác đối ngoại nhân dân, thời gian tới tỉnh Lai Châu cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 18-Ctr/TU ngày 23/9/2011 của Tỉnh ủy đến các tầng lớp nhân dân nhằm giúp hiểu rõ hơn về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động đối ngoại nhân dân theo kế hoạch đối ngoại hằng năm của tỉnh; phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Hai là, tiếp tục củng cố phát triển quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân với các địa phương tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và các tổ chức nước ngoài.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ưu tiên vận động viện trợ trong các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Bốn là, chú trọng và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, chủ động tăng cường thúc đẩy các hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tỉnh bằng nhiều hình thức như: Thông qua các tin, bài trên cổng thông tin đối ngoại và các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh…

Năm là, kiện toàn, củng cố bộ máy, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững nghiệp vụ đối ngoại, có chuyên môn về ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hoạt động của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Vũ Thị Huệ

Phó Trưởng khoa Lý luận Mác - Leenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản