Tin mới

Tuyên Quang: Chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức sản xuất và tiêu dùng hàng Việt

(Mặt trận) - Sau 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thành công của cuộc vận động chính là niềm tin với hàng Việt và sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức liên hiệp

Tổng kết thực hiện Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên

Chuẩn bị tốt nhất cho kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tham quan gian trưng bày sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Tuyên Quang.

Nhờ tích cực, sáng tạo trong quá trình triển khai và thực hiện, sau 10 năm, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại tỉnh Tuyên Quang đã lan toả rộng khắp, làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hoá sản xuất tại địa phương và sản xuất ở trong nước. Các tổ chức, doanh nghiệp đã áp dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng, đa dạng về mẫu mã đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khoá XVI đã đề ra.

Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua đã được các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phối hợp tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia cuộc vận động.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, trong những năm qua, các cơ quan, tổ chức, ngành thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh và các huyện, thành phố đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp, tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng trong hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, gắn với các chương trình, dự án của ngành, tổ chức, đơn vị với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực và trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: Phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu", "Lao động sản xuất giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật với năng suất, chất lượng hiệu quả cao"; "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới", đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng dân cư, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh hướng đến các sản phẩm nội địa có chất lượng, sức cạnh tranh cao, góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Thông qua tổ chức thực hiện cuộc vận động đã nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét ở các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; kích thích, khuyến khích các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Tuy là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ; mở rộng các kênh phân phối hàng Việt Nam thuận tiện, linh hoạt; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn; thiết lập các điểm bán hàng Việt Nam bền vững tại các chợ, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại; tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng...

Nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành và tạo thuận lợi của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở Tuyên Quang đã tăng cường đầu tư, triển khai các dự án sản xuất sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp như: Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh ở xã Phú Lâm; Hợp tác xã nông lâm nghiệp xã Nhữ Hán; Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Duy Phát... Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, khai thác các loại hình kinh doanh như: Trung tâm thương mại - Chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn, trong đó tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm phần lớn trong sản lượng hàng hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động xuất khẩu đã có sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu như: Khoáng sản đã qua chế biến sâu; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, hàng tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm  may mặc, giấy... Một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm và Công ty Cổ phần Chè Tân Trào đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”.

Thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, chủ trì là Sở Công Thương đã phối hợp với các huyện, thành phố triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” nhằm đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 9 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Na Hang, thành phố Tuyên Quang… Những điểm bán hàng này đã trở thành địa chỉ tin cậy khi người dân có nhu cầu tìm đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần quảng bá hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Chặng đường 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa phải là dài nhưng đã đánh dấu những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương tới người tiêu dùng trong cả nước. Thông qua chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, chương trình Phát triển hệ thống phân phối đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đã có trên 600 gian hàng, thu hút 300 lượt doanh nghiệp trong nước tham gia, qua đó nhằm quảng bá các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp các tỉnh thành phố có sự liên kết, hợp tác, phát triển, mở rộng mạng lưới bán hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là nhân dân các dân tộc, đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tại các địa phương đã tổ chức được gần 120 hội chợ với nội dung và chủ đề hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huy động được trên 6.200 lượt doanh nghiệp tham gia trưng bày, bán hàng giới thiệu sản phẩm; đã gần thu hút gần 5 triệu lượt khách tham quan, mua sắm tại các hội chợ này, doanh thu bán hàng ước đạt trên 200 tỷ đồng. Các huyện, thành phố đã tiếp nhận trên 2.000 chương trình khuyến mại của thương nhân, xác nhận đăng ký 80 chương trình khuyến mại của thương nhân. Thông qua việc tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh hằng năm, nhất là Lễ hội Thành Tuyên và các lễ hội đầu xuân tại các huyện, thành phố để tổ chức các gian hàng giới thiệu, quảng bá những sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng, có chất lượng của địa phương như: hàng hóa mây tre đan, các món ăn truyền thống gắn với du lịch cộng đồng... tới nhân dân trong tỉnh, khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần từng bước phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Là tỉnh miền núi, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã tích cực chỉ đạo và có những cơ chế, chính sách để phát triển những mặt hàng nông nghiệp; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản Tuyên Quang như: Cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên); miến dong Hợp Thành, bưởi Xuân Vân (Yên Sơn); rượu ngô men lá Na Hang; mắm cá Kim Bình, bánh gai, bánh gấc (Chiêm Hóa), Chè đen xuất khẩu của Công ty Chè Sông Lô... Sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh Tuyên Quang không những đến với bà con vùng sâu, vùng xa mà còn được phân phối, tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng phân phối thực phẩm sạch, các chợ đầu mối và cửa hàng bán lẻ.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, chủ trì là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp triển khai thực hiện thí điểm chương trình "Mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới"; đến nay các sản phẩm đã được các xã, huyện tổ chức thực hiện theo dự án được phê duyệt (đã phê duyệt và giải ngân hỗ trợ kinh phí mua con giống, vật tư cho các sản phẩm: Dê núi Thổ Bình, huyện Lâm Bình; rau an toàn Hồng Thái, huyện Na Hang; chè búp Linh Phú, huyện Chiêm Hóa; vịt bầu Minh Hương, huyện Hàm Yên; mỳ gạo Thuận Yến, huyện Yên Sơn; tinh bột nghệ Tiến Phát, huyện Sơn Dương), trong đó có 03 sản phẩm được đưa vào danh mục hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 (sản phẩm dê núi Thổ Bình, chè búp Linh Phú, vịt bầu Minh Hương).

Kết quả sau 10 năm thực hiện, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển công nghiệp dịch vụ của tỉnh: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2009 - 2018 đạt 22,8%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn 2009 - 2018 đạt 32,6%/năm. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" diễn ra ngày 31/5/2019, Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 02 gian hàng trưng bày, triển lãm những sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, có chất lượng mang thương hiệu Tuyên Quang.

Bên cạnh những kết quả đạt, việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" còn một số hạn chế, khó khăn như cơ chế chính sách, giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa chưa đáp ứng được với tình hình, điều kiện hội nhập kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất các mặt hàng chủ lực của tỉnh để tạo sức cạnh tranh, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn tình chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa thiết lập được sự kết nối bền vững giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Công tác quản lý thị trường có nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng ngày càng đa dạng, các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Đời sống của một bộ phận người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn còn thấp, nên thường quan tâm và mua các mặt hàng giá rẻ, đây là cơ hội cho các mặt hàng ngoại kém chất lượng, hàng lậu, hàng không qua kiểm định được tiêu thụ. Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại, phân phối đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia.

Chặng đường 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Tuyên Quang đã thực sự tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức sản xuất và tiêu dùng của người dân Tuyên Quang. Cuộc vận động đã có sức lan toả và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực học tập, lao động, sản xuất, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của tỉnh, của đất nước trong từng giai đoạn phát triển. Đồng thời, thúc đẩy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói chung. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần để tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, tạo đà để Tuyên Quang thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản