(Mặt trận) -Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) về đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, đời sống của người dân trong huyện từng bước được cải thiện đáng kể, số hộ nghèo giảm sâu.
Kết quả từ cơ sở
Cách đây hơn 3 năm, gia đình anh Đinh Coi (làng Tăng, xã Lơ Ku) thuộc diện nghèo nhất làng. Nhà có hơn 1 ha bắp, nhưng rẫy nằm ở vị trí đất dốc, lại toàn sỏi đá nên thu chẳng được bao nhiêu. Năm 2017, được xã hỗ trợ 1 con bò sinh sản, vợ chồng anh vay mượn mua thêm 2 con dê để chăm sóc. Từ 2 con dê ban đầu, anh phát triển đàn lên 12 con, cũng có thời điểm trên 20 con. Tiền tích lũy từ bán dê giống, dê thịt và từ vụ bắp được mùa, anh tăng số bò lên 5 con. Đáng mừng hơn, năm 2020, gia đình anh không còn nằm trong danh sách hộ nghèo. “Vợ chồng tôi đã vay 30 triệu đồng từ quỹ Hội Nông dân huyện để đầu tư làm lại chuồng, dự kiến sẽ tiếp tục phát triển đàn dê số lượng lớn hơn”-anh Coi cho hay.
Theo ông Đinh Bam-Bí thư Chi bộ làng Tăng, làng có đến 26 hộ tham gia mô hình nuôi dê sinh sản, 20 hộ trồng cỏ nuôi bò để cải thiện sinh kế. Ông Bam nêu dẫn chứng: “Năm 2017, làng có 46 hộ nhưng có đến 24 hộ nghèo. Đến cuối năm 2020, làng chỉ còn 3 hộ nghèo. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục hỗ trợ các hộ phát triển mô hình nuôi dê; Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng, định hướng các hộ tham gia mô hình phát triển kinh tế bền vững”.
|
Nhờ tham gia mô hình nuôi dê sinh sản mà gia đình anh Đinh Coi (làng Tăng, xã Lơ Ku) đã thoát nghèo. |
Đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 04 trên địa bàn, ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cho biết: Năm 2017, toàn xã có đến 191 hộ nghèo, chiếm 25,1% nhưng đến nay chỉ còn 40 hộ nghèo, chiếm 5,06%. Kết quả này là nhờ xã phối hợp cùng các ban, ngành của huyện tập trung triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất. Điển hình như: mô hình trồng bắp biến đổi gen cho 71 hộ dân làng Chợt và Đak Kjông; mô hình trồng đậu cô ve tại làng Chợt, làng Bôn; nuôi bò, dê sinh sản cho 29 hộ nghèo tại các làng; mô hình cánh đồng mía lớn có 129 hộ tham gia. Chỉ tính riêng năm 2018, mô hình cánh đồng mía lớn đã giúp 28 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. “Từ các nguồn vốn hỗ trợ, nhiều mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả. Bình quân mỗi năm có đến 50 hộ thoát nghèo”-ông Dương phấn khởi nhìn nhận.
Tương tự, việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Krong, Đak Rong, Sơn Lang, Lơ Ku... đã mang lại kết quả thiết thực. Ông Nguyễn Tiến Ninh-Chủ tịch UBND xã Krong-khẳng định: Nhờ sự hỗ trợ này, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 7,02%. Hiện xã chỉ cần hoàn thành tiêu chí thu nhập là sẽ về đích nông thôn mới. “Sau khi khảo sát nắm rõ nguyên nhân, nguyện vọng của từng hộ, xã sẽ xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể; đồng thời phân công các hội, đoàn thể, cán bộ, công chức, đảng viên giúp đỡ, hướng dẫn và giám sát các phần việc giúp các hộ thoát nghèo”-ông Ninh nêu giải pháp.
Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững
Theo ông Lê Duy Kiên-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kbang: Cuối năm 2017, huyện có đến 2.677 hộ nghèo, chiếm 15,7% thì đến cuối năm 2020 con số này chỉ còn 939 hộ, chiếm 5,27%, trong đó có 796 hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo. Kết quả này cho thấy các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ổn định sản xuất, giải quyết việc làm tăng thu nhập. Đặc biệt, giai đoạn 2017-2020, huyện đã huy động và sử dụng tổng hợp các nguồn lực từ các chương trình, dự án giảm nghèo hơn 217 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất giúp các hộ thoát nghèo. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí hơn 91 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 gần 16 tỷ đồng cho 5.191 hộ; chương trình xây dựng nông thôn mới hơn 15,5 tỷ đồng cho 2.959 hộ; các cơ quan, đơn vị đã giúp 510 hộ thoát nghèo, quy ra tiền trên 3 tỷ đồng; xây mới, cải tạo 345 căn nhà cho các hộ nghèo…
Ông Y Phương-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 5,5%, nâng thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 lần so với năm 2020. “Nhận thức người dân đã dần thay đổi nhưng vẫn còn chậm, phải làm cách nào giúp họ tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành chú trọng phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang nhấn mạnh.
MINH NGUYỄN