Tin mới

COVID-19 ngày 1/12: Việt Nam có 14.508 ca nhiễm mới; Hà Nội lại 'lập đỉnh' với 469 ca, có 202 ca cộng đồng

(Mặt trận) - Tính từ 16 giờ ngày 30/11 đến 16 giờ ngày 1/12, Việt Nam ghi nhận 14.508 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có thêm 196 ca tử vong, có 2.704 bệnh nhân khỏi bệnh; Bình Phước: 15 xã ở cấp độ 4 trong phòng, chống dịch COVID-1; Thái Bình điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19 ở một số địa phương; Hà Nội lại 'lập đỉnh', thêm 469 ca mắc mới; Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về cách ly, điều trị F0;... đố là những thông tin nổi bật về tình hình dịch COVID-19 trên cả nước trong ngày 1/12.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

 

Trong số các ca nhiễm mới có 2 ca nhập cảnh và 14.506 ca ghi nhận trong nước (tăng 540 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 8.081 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số mắc như sau: TP Hồ Chí Minh (1.675), Cần Thơ (989), Sóc Trăng (757), Bà Rịa - Vũng Tàu (756), Tây Ninh (729), Bình Dương (642), Đồng Tháp (610), Vĩnh Long (585), Bình Thuận (584), Bình Phước (515), Đồng Nai (509), Cà Mau (507), Kiên Giang (479), Hà Nội (467), Bến Tre (419), Bạc Liêu (402), Khánh Hòa (365), Đắk Lắk (342), Hậu Giang (291), An Giang (244), Trà Vinh (240), Bình Định (234), Lâm Đồng (222), Tiền Giang (142), Thừa Thiên Huế (141), Hải Phòng (141), Bắc Ninh (106), Thanh Hóa (104), Đà Nẵng (99), Long An (82), Đắk Nông (82), Thái Nguyên (79), Nghệ An (78), Ninh Thuận (76), Hà Giang (68), Hưng Yên (67), Phú Thọ (64), Quảng Nam (56), Nam Định (52), Phú Yên (51), Quảng Ngãi (50), Gia Lai (47), Hải Dương (46), Hà Tĩnh (31), Thái Bình (30), Quảng Bình (29), Tuyên Quang (29), Vĩnh Phúc (26), Quảng Ninh (23), Yên Bái (22), Lạng Sơn (21), Hòa Bình (18), Quảng Trị (17), Kon Tum (15), Cao Bằng (15), Hà Nam (11), Bắc Giang (11), Điện Biên (8 ), Lào Cai (4), Sơn La (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bạc Liêu (giảm 135 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (giảm 104 ca), Tiền Giang (giảm 58 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (tăng 202 ca), TP Hồ Chí Minh (tăng 178 ca), Cà Mau (tăng 130 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.390 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.252.590 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.707 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.247.358 ca, trong đó có 989.235 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Yên Bái, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (472.133 ca), Bình Dương (282.873 ca), Đồng Nai (87.755 ca), Long An (38.323 ca), Tiền Giang (29.357 ca).

Trong ngày 1/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 2.704 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 992.052 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.497 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 30/11 đến 17 giờ 30 ngày 1/12, cả nước ghi nhận 196 ca tử vong tại các địa phương:

Tại TP Hồ Chí Minh có 68 ca, trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến gồm: Long An (2), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), An Giang (1), Quảng Bình (1), Bình Định (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác gồm: Đồng Nai (20), Bình Dương (19), An Giang (17), Tây Ninh (13), Kiên Giang (13), Tiền Giang (8 ), Đồng Tháp (6), Cần Thơ (6), Bạc Liêu (5), Bình Thuận (4), Long An (4), Vĩnh Long (3), Sóc Trăng (2), Bến Tre (2), Cà Mau (2), Hà Nội (1), Phú Thọ (1), Trà Vinh (1), Khánh Hoà (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 172 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.448 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 09/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong ngày 30/11, cả nước có 1.348.139 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 123.442.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 71.736.491 liều, tiêm mũi 2 là 51.706.429 liều.

Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu Cần, Bộ Quốc phòng về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại (Công văn số 10225/BYT-DP ngày 01/12/2021).

Ngày 30/11, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp với WHO và CDC Hoa Kỳ về việc ứng phó với biến thể Omicron.

Bộ Y tế tiếp tục xây dựng kế hoạch Diễn tập trực tuyến đáp ứng sự kiện y tế công cộng theo Điều lệ y tế quốc tế (IHR 2005) giữa Cơ quan đầu mối IHR của WHO và Cơ quan đầu mối IHR các nước, khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2021. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trước biến chủng mới (Omicron) của virus SARS-CoV-2 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm.

Hà Nội lại 'lập đỉnh', thêm 469 ca mắc mới, có 202 ca cộng đồng

 

Chiều 1/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 30/11 đến 18 giờ ngày 1/12 Hà Nội ghi nhận 469 ca bệnh trong đó cộng đồng (202), khu cách ly (178), khu phong tỏa (89).

Phân bố 469 bệnh nhân tại 160 xã, phường, thị trấn thuộc 26/30 quận, huyện: Đống Đa (53), Bắc Từ Liêm (45), Hai Bà Trưng (42), Nam Từ Liêm (41), Ba Đình (29), Mê Linh (26), Hà Đông (26), Long Biên (25), Mỹ Đức (21), Đan Phượng (21), Thanh Trì (20), Đông Anh (17), Chương Mỹ (17), Hoàng Mai (15), Thanh Oai (14), Tây Hồ (10), Quốc Oai (9), Cầu Giấy (7), Gia Lâm (7), Hoàn Kiếm (6), Phú Xuyên (5), Hoài Đức (4), Thanh Xuân (3), Sơn Tây (3), Phúc Thọ (2), Thường Tín (1).
Phân bố 202 ca cộng đồng theo theo quận, huyện: Phân bố tại 97 xã phường thuộc 24/30 quận huyện: Bắc Từ Liêm (26), Đống Đa (24), Ba Đình (16), Mê Linh (14), Nam Từ Liêm (12), Hai Bà Trưng (12), Đan Phượng (11), Thanh Trì (11), Chương Mỹ (10), Hoàng Mai (10), Quốc Oai (8), Thanh Oai (7), Tây Hồ (6), Gia Lâm (6), Long Biên (5), Hoàn Kiếm (5), Đông Anh (4), Hà Đông (4), Mỹ Đức (3), Sơn Tây (3), Thanh Xuân (2), Hoài Đức (1), Phúc Thọ (1), Phú Xuyên (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 11.066 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.439 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.627 ca.

Bình Phước: 15 xã ở cấp độ 4 trong phòng, chống dịch COVID-19

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vừa ký ban hành phân loại cấp độ dịch trên địa bàn từ ngày 1/12. Theo đó, toàn tỉnh ở cấp độ 2; có 3/11 huyện ở cấp độ 3. Đáng chú ý, 15 xã ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), tăng 7 xã so với lần điều chỉnh trước đó vào ngày 24/11.

Theo Trung tâm Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước, từ ngày 23-30/11, trên địa bàn ghi nhận 2.871 ca mắc, tăng 1.249 ca so với tuần trước. Đặc biệt, có đến 1.316 ca được phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, các cấp, ngành kiểm soát chặt việc thực hiện quy định phòng, chống dịch; triển khai rộng việc cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà để giảm áp lực cho hệ thống y tế.

“Cả hệ thống chính trị thống nhất về nhận thức, đó là phải kiểm soát F0, hạn chế thấp nhất số ca tử vong và thực hiện mục tiêu kép”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tính đến trưa 1/12 là 8.597 ca, trong đó có 4.638 ca đang điều trị.

Trước tình hình số ca mắc tăng cao mỗi ngày, tỉnh Bình Phước đang chuẩn bị phương án ứng phó trong tình huống có 5.000 ca cần được chăm sóc y tế; chuẩn bị nguồn oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn.

Thái Bình điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19 ở một số địa phương

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 30/11, Sở Y tế tỉnh Thái Bình ban hành văn bản số 143/TB-SYT thông báo cấp độ dịch của tỉnh.

Theo đó, toàn tỉnh ở cấp độ 1; tất cả 8 huyện và thành phố Thái Bình cấp độ 1; có 3 đơn vị cấp xã cấp độ 2 và 257 đơn vị cấp xã cấp độ 1. 

So với thông báo cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh lần gần đây nhất, ngày 14/11, của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, Vũ Thư là huyện duy nhất trên địa bàn có dịch cấp độ 2 (màu vàng) nay chuyển sang cấp độ 1 (màu xanh); xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư là xã duy nhất cấp độ 4 (màu đỏ) nay chuyển sang cấp độ 2; từ 8  đơn vị cấp xã xác định cấp độ dịch cấp 2 nay chỉ còn 3 là xã Nguyên Xá, thị trấn Vũ Thư (huyện Vũ Thư) và xã Chương Dương (huyện Đông Hưng).

Cùng ngày, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành kế hoạch số 167/KH-UBND tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn. Kế hoạch được triển khai thống nhất trong toàn tỉnh nhằm hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch, nhiệm vụ tổ chức thực hiện.

Khi xuất hiện trường hợp F0 tại cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định cách vùng ly y tế nhanh, ở phạm vi hẹp nhất có thể và triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.  

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, những ngày gần đây, trên địa bàn ghi nhận số ca mắc COVID-19 có chiều hướng giảm. Từ đêm 30/11 đến sáng 1/12, Thái Bình ghi nhận thêm 28 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 22 ca trong các khu cách ly tập trung, 6 ca trong cộng đồng. Trong đợt dịch cao điểm từ ngày 10/11 đến 1/12, tỉnh ghi nhận 1.159 F0; trong đó 612 ca đã được công bố khỏi bệnh.

Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, đến ngày 30/11, trên 1 triệu người đủ điều kiện được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và 549.634 người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm đủ 2 mũi. Tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, trong đó ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trẻ từ 12 đến 17 tuổi, các nhóm đối tượng nguy cơ.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về cách ly, điều trị F0

 

Ngày 1-12, Bộ Y tế có Quyết định số 5525/QĐ-BYT ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 3646/QĐ-BYT ban hành ngày 31-7-2021.

Theo hướng dẫn mới này, việc phân loại theo 4 nhóm nguy cơ và định hướng xử trí, cách ly, điều trị, cụ thể:

Nguy cơ thấp (màu xanh): Tuổi từ bằng hoặc trên 3 tháng trở lên đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên. Đối với nhóm này được chăm sóc tại nhà riêng (đủ điều kiện theo quy định). Trạm y tế, nhân viên y tế, tình nguyện viên… theo dõi, quản lý người nhiễm, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn. Cùng với đó, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, vận động, theo dõi sức khỏe liên tục, đánh giá nguy cơ. Đồng thời, cung cấp gói chăm sóc tại nhà (thuốc kháng vi rút, vitamin, nhu yếu phẩm…).

Nguy cơ trung bình (màu vàng): Từ 50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; tuổi từ bằng hoặc trên 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa tiêm đủ liều vắc xin; có dấu hiệu như: Sốt, ho, đau họng, khó thở nhẹ… và SpO2 từ 97% trở lên. Nhóm này điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 (tầng 1). Nếu cơ sở điều trị tầng 1 của địa phương quá tải thì có thể xem xét điều trị tại cộng đồng. Theo hướng dẫn, với nhóm nguy cơ trung bình cần theo dõi sát sao, phát hiện sớm dấu hiệu thay đổi cần nhập viện ngay hoặc chuyển tầng cao hơn. Việc điều trị bằng thuốc kháng vi rút; điều trị triệu chứng như: Hạ sốt, giảm đau, giảm ho cùng với nâng cao thể trạng, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý…

Nguy cơ cao (màu cam): Tuổi bằng hoặc từ trên 65 và đã tiêm đủ liều vắc xin; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; từ 50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày; trẻ em từ dưới 3 tháng tuổi; SpO2 từ 94% đến 96%. Với nhóm này điều trị tại bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 (tầng 2). Đặc biệt, khi theo dõi phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn; điều trị thuốc kháng vi rút, dinh dưỡng, điều trị dự phòng thuốc chống đông, bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ ô xy và dùng thuốc chống viêm khi suy hô hấp; theo dõi điều trị kết hợp bệnh lý nền.

Nguy cơ rất cao (màu đỏ): Tuổi bằng hoặc từ trên 65 tuổi và chưa tiêm đủ liều vắc xin; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 94%. Nhóm này điều trị tại Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 (tầng 2, 3); Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 (căn cứ theo chỉ định của bác sĩ và số giường bệnh). Với nhóm nguy cơ rất cao, việc điều trị tập trung hỗ trợ thở: Thở ô xy, thở HFNC, thở máy, ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), hỗ trợ các cơ quan suy chức năng (chạy thận, lọc máu, trợ tim, vận mạch…). Đồng thời, điều trị chống viêm, chống đông, kháng sinh, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, phòng ngừa biến chứng… Theo dõi điều trị kết hợp bệnh lý nền, chuyển tầng điều trị thấp hơn nếu đáp ứng điều trị.

Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đề cập 7 nguyên tắc điều trị F0, trong đó theo dõi, chăm sóc các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và các ca bệnh nhẹ ngay tại nhà (nếu đủ điều kiện). Ngoài ra, tập trung điều trị tốt ngay tại tầng 1, tầng 2 cho người bệnh, tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh nặng ở tầng trên. Mỗi cơ sở thu dung bố trí ít nhất “2 tầng điều trị” và bảo đảm tỷ lệ giường bệnh hồi sức tích cực theo phân tầng điều trị. Cùng với đó, tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, tầng trên chỉ đạo tuyến cho tầng dưới để điều trị hiệu quả ngay tại tầng dưới…

Trước đó, ngày 31-7-2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BYT về tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 trong bối cảnh các ca Covid-19 đang tăng nhanh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng phân loại nguy cơ và xử trí, cách ly, chuyển viện điều trị thiếu nhất quán giữa các địa phương đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch. Vì vậy, việc chỉnh sửa tiêu chí phân loại nguy cơ và định hướng xử trí, cách ly, điều trị phù hợp với tình hình mới để thống nhất áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản