Tin mới

Mô hình “Nghe dân nói, nói dân nghe” ở tỉnh Bình Định

(Mặt trận) -Chính thức ra mắt từ giữa năm 2019, mô hình “Nghe dân nói - Nói dân nghe” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Quang (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) thành lập từng bước phát huy vai trò trong thực tế, là cầu nối phát huy quyền dân chủ của nhân dân, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của cấp ủy, chính quyền.

Mặt trận Tổ quốc thị xã Nghĩa Lộ phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

MTTQ các cấp tỉnh Bắc Giang quyết liệt xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

MTTQ Hải Phòng: Nhiều mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Phát huy mô hình điểm

Chia sẻ về mục đích hình thành mô hình, ông Huỳnh Tấn Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Quang, cho hay: “Để thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, mô hình “Nghe dân nói - Nói dân nghe” được thành lập với hai nội dung, nhiệm vụ chính. Thứ nhất là gần dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thứ hai là giải thích, giải trình cho dân hiểu, nghiên cứu tiếp thu, có hướng giải quyết những vấn đề người dân kiến nghị để tạo lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, cán bộ lãnh đạo; đồng thời, làm cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân trên địa bàn, tăng đồng thuận xã hội”.

 Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Tri Thiện trao đổi một số vấn đề liên quan công tác nắm bắt tình hình nhân dân với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Quang Huỳnh Tấn Minh(trái)

Tháng 6.2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Quang đã chọn thôn Tri Thiện để triển khai mô hình điểm “Nghe dân nói - Nói dân nghe”. Theo đó, mỗi quý, mô hình tổ chức sinh hoạt một lần tại nhà văn hóa thôn để nhân dân có thể trình bày những ý kiến, kiến nghị để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lắng nghe, giải đáp, ghi nhận, xem xét đưa vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế của địa phương.

Qua các đợt đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu Đảng ủy, UBND xã với nhân dân, người dân thôn Tri Thiện đã kiến nghị về các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân như: Đầu tư các tuyến đường bê tông để thuận tiện đi lại, giao thương; bảo vệ môi trường; có giải pháp hạn chế nạn trộm cắp, trộm chó; có phương án mở rộng, xây dựng tuyến đê sông Côn, đoạn từ thôn Tri Thiện lên giáp khu phố Liêm Trực (phường Bình Định, TX An Nhơn)…

Đảng ủy, UBND xã Phước Quang đã tiếp thu các ý kiến, nghiêm túc thực hiện những lời hứa trước dân. Địa phương đã khẩn trương bố trí, lắp đặt các camera an ninh để hạn chế nạn trộm cắp, trộm chó; bê tông đường nông thôn, các tuyến mương… Đặc biệt, tuyến đê sông Côn được kiên cố hóa với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng đã làm cho người dân địa phương rất phấn khởi, tin tưởng.

Ông Phạm Minh Chương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Tri Thiện bày tỏ thêm: “Trong một năm triển khai mô hình điểm trên địa bàn của thôn, sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân dành cho Đảng, Nhà nước liên tục tăng. Chúng tôi gọi mô hình là “diễn đàn của nhân dân” khi người dân có thể nói lên suy nghĩ, nguyện vọng rất chính đáng trước lãnh đạo địa phương; lãnh đạo lắng nghe, có giải pháp thực hiện khả thi”.

Ông Chương nêu ví dụ: Đối với vấn đề vệ sinh môi trường, xã đã triển khai Đề án thu gom rác thải, người dân thôn Tri Thiện hưởng ứng, đến nay, đăng ký tham gia đạt 65% số hộ. 24 hộ dân của thôn đã hiến 600 m2 đất ruộng để mở rộng tuyến bê tông nông thôn, đoạn từ thôn Phục Thiện đến thôn Tri Thiện. Đối với các vấn đề nước sạch, thắp sáng điện đường, nhân dân vui mừng khi được nghe thông tin đến năm 2022, xã hoàn thành việc lắp đặt, vận hành.

Nhân rộng ra toàn xã

Sau gần hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm 2022, mô hình điểm “Nghe dân nói - Nói dân nghe” chính thức được nhân rộng ra 10 thôn còn lại trên địa bàn xã. Theo đó, ban công tác Mặt trận 11 thôn có trách nhiệm nắm bắt, ghi nhận các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân để đăng ký Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu Đảng ủy, UBND xã với nhân dân.

Tháng 8.2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Quang đã tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu Đảng ủy, UBND xã với nhân dân thôn Luật Bình. Buổi đối thoại đã ghi nhận 13 ý kiến về: Bê tông đường nông thôn, nhất là các tuyến đường hẻm; xây dựng cầu dân sinh nối thôn Quảng Điền và thôn Luật Bình; có phương án nâng mặt bằng ruộng ở vùng trũng; vệ sinh môi trường nông thôn…

Ông Đoàn Văn Điệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Quang, cho rằng đây là những kiến nghị rất chính đáng, thiết thực. Xã đã ghi nhận, đưa vào danh mục đầu tư cơ bản trong thời gian tới. Ông Điệp cũng kêu gọi sự tham gia, ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân đối với các hoạt động của xã nhằm đảm bảo “về đích” nông thôn mới nâng cao cuối năm 2022, nhất là các tiêu chí liên quan đến môi trường, nước sạch, giao thông bằng các việc làm thiết thực như: Hiến đất làm đường, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng các tuyến đường hoa, đăng ký sử dụng nước sạch…

Theo ông Điệp, mô hình “Nghe dân nói - Nói dân nghe” đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết, huy động sự chung tay của nhân dân trong xây dựng và phát triển quê hương. Từ ngày xây dựng mô hình, tình trạng đơn thư, khiếu nại giảm mạnh, ANTT được đảm bảo.

“Đây cũng là kênh hiệu quả để lãnh đạo chủ chốt nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; giải thích, giải trình và giải quyết các vấn đề trong thẩm quyền ngay tại buổi đối thoại; tạo không khí tiếp xúc dân chủ, cởi mở, góp phần phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở”, ông Điệp nói.

Theo Báo Bình Định

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản