Tin mới

Long Phú (Sóc Trăng): Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Thời gian qua, huyện Long Phú đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò của mình trong công tác vận động Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

Khánh Hòa: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024

Sóc Trăng họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024

 Lãnh đạo Huyện ủy Long Phú gặp gỡ, thăm hỏi người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Hưng

Theo đồng chí Thạch Chanh Cha – Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Long Phú, Long Phú hiện có 36 vị là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, có người là trưởng Ban nhân dân ấp, có người là cán bộ, tri thức; nhiều người có uy tín là chức sắc, tôn giáo. Mỗi người có mức độ ảnh hưởng khác nhau; có tri thức, đặc điểm tâm lý, điều kiện, hoàn cảnh và môi trường hoạt động khác nhau… Do đó, mỗi người có thế mạnh riêng trong vận động quần chúng dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói – giảm nghèo; có vị lại có thế mạnh cảm hóa, giáo dục phần tử xấu, tiêu cực, chậm tiến trong xã hội… Tuy khác nhau về thế mạnh, nhưng bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, phổ biến, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con phum – sóc, địa bàn cư trú.

Xác định được vị trí, vai trò của mình, những người có uy tín không ngại khó, trực tiếp đến từng hộ gia đình trong phum, sóc để tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, việc lồng ghép tuyên truyền trong các ngày lễ, hội, tết của các dân tộc, tôn giáo trong các buổi sinh hoạt lệ ở trong phum, sóc hàng tháng; tuyên truyền bằng việc làm cụ thể, tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; hướng dẫn bà con thực hiện nhiều phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả… Bên cạnh đó, người có uy tín đã tích cực vận động bà con trong phum, sóc đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới; thể hiện sự gương mẫu, tích cực trong vận động Nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn; xây cầu nông thôn và các công trình phúc lợi… với số tiền từ 01 - 02 tỷ đồng mỗi năm.

Không dừng lại ở đó, những người có uy tín còn phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ bà con trong phum, sóc, nhất là trong nội bộ dân tộc, tôn giáo; không để nảy sinh thêm vấn đề phức tạp. Phát huy vai trò tích cực, góp phần cùng chính quyền địa phương kiềm chế và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo điều kiện cho các ban ngành, đoàn thể và cơ quan chức năng vận động các đối tượng nghiện ma túy tự giác cai nghiện tại cộng đồng; các đối tượng trộm cắp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương hoàn lương trở thành người công dân tốt; vận động đồng bào không nghe lời kẻ xấu xúi giục.... Tích cực tham gia và vận động bà con thực hiện tốt các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Giữ gìn an ninh, trật tự ở khu dân cư” ở những nơi có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo sinh sống. Người có uy tín là chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn còn thường xuyên vận động bà con tín đồ, phật tử chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng. Bằng uy tín của mình, người có uy tín còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để phát huy vai trò người có uy tín, thời gian qua, các cấp, các ngành trong huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục có chuyển biến rõ rệt, góp phần giúp hộ đồng bào Khmer thoát nghèo. Trong năm 2020, có 287 hộ được thoát nghèo, giảm tỷ lệ xuống còn 3,90%. Hiện số hộ nghèo trong đồng bào Khmer huyện Long Phú giảm xuống còn trên 300 hộ. Do đó, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, an ninh, trật tự được đảm bảo.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Long Phú tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo; đặc biệt là chính sách phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần đối với người có uy tín và gia đình của họ, nhằm góp phần động viên, khuyến khích những người có uy tín, nhất là lực lượng cốt cán người dân tộc Khmer, Hoa phấn khởi, tin tưởng, tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

SC

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản