“Nhà nước và nhân dân cùng làm”
Xác định phát triển giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở huyện Chợ Mới đã tập trung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, cũng như ý nghĩa, lợi ích của việc thực hiện nâng cấp, phát triển hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
|
Những cây cầu mới ở huyện Châu Phú do “nhà nước và nhân dân cùng làm” |
Ngay từ khi hình thành ý tưởng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chợ Mới chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng công trình. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức họp dân xin ý kiến thống nhất về việc triển khai thực hiện và luôn có sự giám sát chặt chẽ của Ban Giám sát nhân dân.
Chính sự bàn bạc dân chủ, công khai dựa vào dân để thực hiện đã tạo nên sự đồng thuận, ủng hộ cao góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn ở địa phương. Chủ tịch UBMTTQVN xã Kiến An Phan Văn Dư cho biết: “Thời gian qua, công tác xã hội hóa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Việc tiếp nhận đóng góp của nhân dân cũng như tiến độ thực hiện các công trình được thực hiện công khai, minh bạch, ghi chép rõ ràng và được công bố rộng rãi để nhân dân nắm. Qua đó, được người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tích cực đóng góp tiền, vật chất và ngày công phục vụ cho các tuyến đường được sớm hoàn thành”.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Chợ Mới đã huy động các nguồn lực xã hội hóa và vận động nhân dân cùng tham gia mở rộng mặt đường, sửa và dặm vá được 56 tuyến đường giao thông nông thôn, với chiều dài gần 50,55km, tổng kinh phí hơn 49,4 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân hiến 39.570m2 đất (quy đổi tiền hơn 36,1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, huyện còn vận động nhân dân xây mới 33 cây cầu bê-tông nông thôn thay thế các cây cầu xuống cấp và sửa chữa 12 cây cầu hư hỏng, với tổng số tiền hơn 14,6 tỷ đồng.
Cũng giống như huyện Chợ Mới, huyện Châu Phú là địa phương có nhiều kênh, rạch, nên việc xây dựng cầu giao thông nông thôn kiên cố thay thế những cây cầu gỗ đã bị xuống cấp được chính quyền địa phương quan tâm. Phát huy nội lực gắn với thực hiện tốt công tác huy động các nguồn lực xã hội, hệ thống chính trị huyện xác định việc xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy KTXH phát triển.
Từ năm 2021 đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Phú vận động nhân dân đóng góp xây dựng mới 7 cầu liên ấp, liên xã có tải trọng thấp nhất 8 tấn, mặt cầu phần xe lưu thông không nhỏ hơn 4m và kết cấu bằng bê-tông cốt thép hoặc cầu thép mạ kẽm..., với tổng kinh phí thực hiện hơn 19,6 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 2,9 tỷ đồng, còn lại từ nguồn vận động nhân dân đóng góp hơn 16,7 tỷ đồng. Qua đó, đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH của địa phương và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 8 cây cầu liên ấp, liên xã khác được xây dựng theo hình thức xã hội hóa với quy mô, tải trọng và kết cấu nhỏ hơn, với tổng kinh phí xây dựng hơn 5,8 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 630 triệu đồng, còn lại từ nguồn vận động nhân dân đóng góp trên 5,2 tỷ đồng.
Xã Ô Long Vĩ là một trong những địa phương vùng trong của huyện Châu Phú, có hệ thống kênh, rạch rất nhiều nhưng chỉ có một số cầu treo nhỏ nên việc đi lại của người dân thời gian qua gặp nhiều khó khăn, lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng. Từ đó, địa phương đã huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng những cây cầu lớn, tạo điều kiện phát triển KTXH, giúp cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân thuận lợi, dễ dàng.
Phó Chủ tịch UBND xã Ô Long Vĩ Lương Hoàng Viễn cho biết, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Ô Long Vĩ cất mới 5 cây cầu với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại huy động sức dân. Trong quá trình triển khai thi công, chính quyền địa phương bàn bạc dân chủ và công khai tài chính rõ ràng, từ đó, tất cả các cây cầu thực hiện đều được nhân dân đồng thuận và thống nhất cao. Kết quả từ sự quyết tâm của cả hệ thống thống chính trị nỗ lực huy động các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ đóng góp nhiệt tình của nhân dân về kinh phí, ngày công lao động mà đến nay, hệ thống giao thông nông thôn tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Phú đã được xây dựng đồng bộ.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh Phạm Quốc Duy thông tin, 5 năm qua, trên địa bàn xã đã thực hiện trên 20 công trình cầu, đường giao thông, đổ đá chống lầy ở các tuyến đường giao thông nội đồng, với tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 5 tỷ đồng, hiến hơn 58.800m2 đất và tham gia hơn 7.200 ngày công lao động trong việc xây cầu, làm đường nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KTXH của địa phương, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
Niềm vui từ những công trình
Có mặt tại "công trường" rải đá, đổ nhựa đường giao thông nông thôn tại xã Kiến An (huyện Chợ Mới) đã xuống cấp nghiêm trọng với nhiều “ổ gà”, “ổ voi” trong thời gian dài vào một ngày hè nắng như đổ lửa, nhưng vẫn cảm nhận được không khí làm việc rất nhiệt tình, khẩn trương không kém phần vui vẻ của tất cả mọi người. Đây là tuyến đường giao thông liên xã thuộc ấp Kiến Bình 2, nối liền xã Kiến An và Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới). Tuyến đường dài 900m, rộng 6m, do nhân dân xã Kiến An cùng nhau đóng góp tiền, vật liệu, công sức để mở rộng và nhựa hóa với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, số tiền còn lại từ nguồn vận động xã hội hóa.
“Con đường này lúc trước vừa nhỏ, vừa bị hư hỏng nặng, bà con đi lại gặp rất khó khăn. Khi chính quyền địa phương có chủ trương mở rộng và láng nhựa lại tuyến đường, tôi cùng bà con ở đây rất vui mừng, phấn khởi, tích cực góp công, góp sức” - ông Lê Văn Sẻn (82 tuổi, người dân xã Kiến An) phấn khởi.
Hoàn thành những con đường mới, ngoài sự tham gia tích cực của chính quyền và nhân dân, những người trực tiếp thụ hưởng, không thể không kể đến sự hỗ trợ tích cực của các thành viên Đội Lấp vá đường từ thiện huyện Chợ Mới. Hễ nơi đâu trên địa bàn huyện cần lấp vá đường là nơi đó có đội, tất cả hoàn toàn miễn phí. Đó là nhờ cái tâm thiện nguyện, chất phát của những người dân hào sảng.
Mặc dù bận rộn với công việc gia đình, nhưng khi hay tin đội từ thiện đi làm đường ở đâu, ông Lê Văn Khanh (một thành viên của đội) sắp xếp thời gian để tiếp sức cùng mọi người đi lấp vá đường. “Nhìn thấy mọi người đi lại thuận tiện trên con đường rộng rãi, thông thoáng, tôi rất vui. Đó là động lực để tôi và các anh em trong đội tiếp tục công việc của mình, còn sức là còn làm để đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển của quê hương” - ông Khanh chia sẻ.
Còn tại cầu Kênh 10 (ngang kênh Cần Thảo), thuộc xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú), sau gần 5 tháng thi công, cầu đã hoàn thành và khánh thành đưa vào sử dụng vào cuối tháng 8/2022. Cầu dài 36,6m, rộng 5,5m, kết cấu bê-tông cốt thép, tải trọng khai thác 10 tấn, với tổng kinh phí gần 3,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 640 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 2,6 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Được hưởng lợi từ công trình này, người dân cảm nhận rõ nét nhất về sự thay đổi diện mạo nông thôn, cũng như điều kiện đi lại, phát triển kinh tế ngày càng thuận tiện hơn.
“Cây cầu được xây dựng, mọi người ở đây ai cũng phấn khởi vì đi lại thuận lợi. Bà con ở đây người có tiền thì đóng góp tiền, người không tiền thì bỏ công sức để cùng nhau thực hiện hoàn thành sớm công trình” - bà Ngô Thị Đương (người dân xã Ô Long Vĩ) chia sẻ.
Chính nhờ chủ trương đúng, cùng với sự đồng thuận xây dựng cầu giao thông nông thôn là phục vụ lợi ích chung nên nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân.
Anh Nguyễn Đức Lợi (người dân xã Bình Chánh) chia sẻ: “Chủ trương huy động các nguồn lực xã hội xây dựng cầu giao thông nông thôn rất hay. Nhà nước không thể đứng ra làm tất cả được, vì vậy cần phải huy động sức dân. Bản thân tôi rất vui và đồng tình với chủ trương này, đồng thời tham gia vận động bà con cùng chung tay để tham gia phát triển quê hương”.
Sự đổi thay tích cực trên đều xuất phát từ tinh thần đoàn kết thống nhất, sự chung sức, đồng lòng phát huy nội lực của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Khi “ý Đảng, lòng dân” đã được hợp nhất sẽ tạo động lực và sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp trong phong trào thực hiện nâng cấp, phát triển hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn.
Từ những cây cầu bê-tông cốt thép vững chắc, rộng rãi đến những tuyến đường nông thôn được nhựa hóa, bê-tông hóa, rộng rãi, thông thoáng, bằng phẳng, sạch đẹp, khang trang không chỉ góp phần phục vụ tốt các nhu cầu đời sống của người dân, mà còn tạo cho diện mạo nông thôn ngày càng phát triển khởi sắc.
Theo Báo An Giang