(Mặt trận) - Tăng cường bảo vệ “vùng xanh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện cho được "mục tiêu kép" của Chính phủ đề ra là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để làm được việc đó, phải chủ động trong xây dựng phương án chống dịch, khôi phục sản xuất là điều rất quan trọng.
|
Ngoài lúa, rau dưa các loại cũng được triển khai trồng để thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp |
Chủ động các phương án
Thực tế của công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong 4 đợt dịch vừa qua cho thấy, tuy dịch bệnh xuất hiện từng lúc, từng nơi, rải rác ở cộng đồng nhưng với quyết tâm cao, có chuẩn bị trước các kịch bản, kế hoạch ứng phó; huy động cả hệ thống chính trị cùng nhân dân trên địa bàn tham gia nên đã phát huy hiệu quả. Đến thời điểm này, An Giang từng bước kiểm soát được các ổ dịch ở huyện Châu Thành, An Phú, Phú Tân và TX. Tân Châu.
Chủ động các phương án trong công tác phòng, chống dịch là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, trong đó tăng cường bảo vệ các “vùng xanh” để phát triển kinh tế là việc làm cần thiết. Việc này, một mặt nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, mặt khác khuyến khích đẩy mạnh sản xuất để phục hồi kinh tế, phục hồi sự tăng trưởng của tỉnh.
Ngày 27-9-2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký ban hành Kế hoạch 572/KH-UBND về đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19. UBND tỉnh ban hành kế hoạch vào thời điểm này là để nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân; đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng, chống, dịch.
Yêu cầu đặt ra là xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên. UBND tỉnh đề nghị các DN, người lao động chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên, chủ động phương án ứng phó nhanh, kịp thời, hiệu quả, nhất là theo các cấp độ dịch bệnh. Tùy theo thực tế diễn biến của dịch COVID-19, hoạt động SXKD của DN được thực hiện phù hợp.
Cụ thể, đối với DN đang tạm dừng hoạt động, trước khi hoạt động trở lại, DN cần phải có kế hoạch phòng, chống dịch trong cơ sở SXKD. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và điều kiện thực tế của địa phương, các DN đăng ký phương án hoạt động SXKD phù hợp theo quy định với cơ quan thẩm quyền để được tổ chức thẩm định phương án, đảm bảo hoạt động trở lại ổn định, an toàn và hiệu quả.
“Tập đoàn Nam Việt đánh giá cao việc UBND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch về đảm bảo sản xuất trong tình hình dịch COVID-19. Đây là động thái mở cửa nền kinh tế của tỉnh trở lại nhưng vẫn đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất, tạo đà tăng trưởng của tỉnh và DN” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới nhận định.
Khôi phục sản xuất
Thay đổi phương thức ứng phó với dịch, chuyển từ “Zero COVID” sang “thích ứng, chung sống với COVID” là sự linh hoạt của các cấp, ngành trong lúc này.
Tại TX. Tân Châu, ngay khi phường Long Thạnh chưa bùng phát dịch, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ “vùng xanh” để đẩy mạnh sản xuất. Thực tế tại 9 xã, phường chưa có ca F0 trong cộng đồng, việc bảo vệ “vùng xanh” để phát triển sản xuất tiếp tục được duy trì, giữ vững. Nhờ đó mà 9 tháng của năm 2021, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TX. Tân Châu cơ bản đạt được chỉ tiêu đặt ra theo tình hình thực tế.
“Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Phú Lộc đã phát huy tác dụng của 22 Tổ COVID-19 cộng đồng bằng cách vận động nhân dân cùng tham gia, kiểm soát người ra vào địa bàn. Tại khu dân cư, 1 thành viên Tổ COVID-19 cộng đồng quản lý từ 5-10 hộ dân. Nhiệm vụ của những người này là vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương phòng, chống dịch. Vận động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất để kinh tế phát triển. Bằng cách làm này, từ đầu dịch đến nay, địa bàn được giữ ổn định, mùa vụ tiếp tục được gieo trồng…” - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Phú Lộc Bùi Thanh Bình chia sẻ.
Tăng cường bảo vệ “vùng xanh” để phát triển kinh tế, các địa phương trong tỉnh đang tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình trọng điểm, tạo đà cho tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp bằng con đường làm ăn hợp tác, đẩy mạnh liên kết đầu vào và đầu ra; khôi phuc lại xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Với cách làm đó, hy vọng rồi đây, An Giang sẽ vừa kiểm soát được dịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra.
Minh Hiển