Tin mới

Bá Thước huy động nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo “bệ đỡ” quan trọng giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

Gia đình bà Trương Thị Xuyến, thôn Un, xã Điền Quang được sự hỗ trợ của Nhà nước đã vươn lên thoát nghèo. 

Điền Quang là xã khó khăn của huyện Bá Thước, với 87% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, những năm gần đây nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, góp phần thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo của địa phương.

Để đạt được kết quả trên, căn cứ vào chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm, UBND xã Điền Quang đã xây dựng phương án giảm nghèo và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng thôn. Đồng thời, cử cán bộ đến từng hộ nghèo để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác giảm nghèo đa chiều, nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước để hộ nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống. Tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật để hộ nghèo có kiến thức áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Thông qua nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xóa nghèo bền vững, xã Điền Quang đã xây dựng và triển khai dự án nuôi bò sinh sản. Đến thời điểm này, hộ nghèo đã nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước và mua con giống về nuôi. Xã Điền Quang đã chỉ đạo công chức chuyên môn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh để vật nuôi khỏe mạnh, sớm sinh sản, tạo nguồn sinh kế ổn định giúp hộ nghèo có thêm thu nhập, để vươn lên thoát nghèo.

Ông Hà Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Điền Quang cho biết: Năm 2023, kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là hơn 5,8 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, xã đã thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; truyền thông về giảm nghèo thông tin. Sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh so với kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 21,55%. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, khích lệ ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân; huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo kịp thời, đầy đủ; chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Bá Thước đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, XDNTM.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện Bá Thước đã xây dựng hàng chục mô hình giảm nghèo, như: Mô hình nuôi bò sinh sản tại các xã Điền Quang, Ái Thượng; mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại các xã Thiết Ống, Cổ Lũng, Thành Sơn; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Thành Lâm, Lũng Cao, Điền Lư. Hiện này, các mô hình này đang phát huy hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, mở ra hướng thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân ở địa phương.

Cùng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội huyện Bá Thước luôn quan tâm tới việc đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn. Để thực hiện được điều này, huyện đã chủ động lồng ghép với các chương trình XDNTM, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ cho hoạt động của cộng đồng. Từ năm 2021 đến nay, huyện Bá Thước đã đầu tư hơn 191 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục... tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Bá Thước được phân bổ hơn 10 tỷ đồng thực hiện các dự án, chủ yếu là dự án phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đến nay, các xã đã thực hiện xong dự án. UBND huyện Bá Thước chỉ đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng bệnh cho trâu, bò. Dự án nuôi trâu, bò sinh sản của huyện Bá Thước được kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước đưa các hộ thoát khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.

Để ổn định đời sống Nhân dân, huyện Bá Thước đang tích cực triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng kinh phí 65 tỷ đồng. Hiện, UBND huyện đã phê duyệt danh sách làm nhà, sửa nhà năm 2023 cho 1.830 hộ với tổng kinh phí hơn 57 tỷ đồng, đạt 88,4% kế hoạch vốn giao, trong đó làm mới 1.043 hộ, sửa chữa 787 hộ.

Nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững huyện Bá Thước quan tâm đến việc đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2023, huyện Bá Thước đã được phân bổ gần 2,5 tỷ đồng để thực hiện Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững, phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay, dự án này, đang phát huy hiệu quả góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Với việc triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, XDNTM, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tích cực vào cuộc trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo đã phát huy hiệu quả rõ nét. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bá Thước giảm xuống 17,58% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 21,82%; đời sống của Nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người 31,8 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Phú Hiền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước cho biết: Thời gian qua, công tác phối hợp, quản lý, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được huyện quan tâm chỉ đạo và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương từng bước được cải thiện, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên. Thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo. Tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh và các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của chương trình, dự án đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý thức người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai các chương trình cho vay giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất. Huy động mọi nguồn lực xã hội để cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ những hộ thoát nghèo có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Xuân Anh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản