Tin mới

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

(Mặt trận) -Trong những năm qua, cùng với việc kêu gọi đầu tư, thu hút các nguồn lực phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo vệ môi trường.

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết ở Kon Thụp

Thành phố Việt Trì chăm lo đời sống cho người nghèo

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Yên Định

Vì một Quảng Ninh xanh

Có thể thấy, Quảng Ninh đang bước đầu gặt hái những thành công trong việc chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”. “Xanh” thể hiện ở chỗ không chỉ thu ngân sách, tạo việc làm… không còn quá phụ thuộc vào ngành than, mà còn thể hiện ở sự thay đổi về môi trường.

Hằng năm, tỉnh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp bảo vệ môi trường để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ: Quản lý môi trường nước; quản lý chất lượng không khí; quản lý chất thải rắn; quản lý rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu và giám sát môi trường.

Cùng với đó, để tăng nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường tại các địa phương, ngày 7/12/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 38/2016/NQ-HĐND quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2017- 2020. Theo đó, phí bảo vệ môi trường từ khai thác than được điều tiết 100% cho ngân sách các địa phương để thực hiện nhiệm vụ về môi trường.

Tính riêng đối với TKV, tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hằng năm là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó 50% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 50% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên. Giai đoạn 2017-2020, các đơn vị khai thác than đã triển khai Đề án đảm bảo môi trường ngành Than với tổng kinh phí thực hiện gần 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TKV còn thực hiện bổ sung các hạng mục, công trình ngoài đề án với tổng kinh phí trên 127 tỷ đồng. Đặc biệt, đầu năm 2019, TKV đã chấm dứt hoạt động của Nhà máy sàng tuyển Nam Cầu Trắng; xây dựng, đưa Trung tâm Chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai tại Hà Khánh - Hạ Long vào hoạt động, ổn định sản xuất từ tháng 4/2019 để đảm bảo môi trường, việc làm cho người lao động.

Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ đảm đảo thực hiện di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đưa vào CCN tại các địa phương. Hiện nay đã có hàng trăm cơ sở sản xuất di chuyển vào các CCN: Hà Khánh, Kim Sen, Nam Sơn, Cẩm Thịnh... thực hiện đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải; tiến hành xử lý xong 12 điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.

Để có thể thực hiện tốt việc giám sát, đánh giá tác động của các hoạt động KT-XH lên môi trường; phát hiện kịp thời các điểm nóng về môi trường và có những biện pháp xử lý, ứng cứu kịp thời, hoạt động quan trắc môi trường giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Vì thế hệ thống quan trắc tự động đã được tỉnh đầu tư mạnh trong giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt và tổ chức thực hiện quan trắc môi trường theo mạng điểm quan trắc hiện trạng tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2020-2025 sẽ nâng lên thành 382 điểm (tăng số lượng điểm quan trắc lên gấp 2,7 lần). Đồng thời, tăng cường tần suất quan trắc đối với một số môi trường thành phần. Điểm nổi bật của hoạt động giám sát là các thông tin sau khi được truyền về Trung tâm điều hành sẽ được chuyển đến nhiều kênh giám sát khác nhau. Trong đó có điện thoại cầm tay của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương (để tiện truy cập và chỉ đạo). Màn hình hiển thị thông tin môi trường được lắp đặt tại khu vực đường biển Cột 5 - Cột 8 (TP Hạ Long) để nhân dân theo dõi và giám sát.

Hiện nay, Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu môi trường đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2015-2020) như: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 53-54%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên 92%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%.

Nỗ lực cho mục tiêu bền vững

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng Quảng Ninh vẫn còn nhiều việc phải làm trong công tác bảo vệ môi trường bền vững. Thực tế hiện nay sự suy giảm chất lượng nước biển tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bảo vệ tuyệt đối Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long do chịu tác động các nguồn thải từ hoạt động KT-XH như tham quan du lịch, các hoạt động nuôi trồng thủy sản, tác động từ hoạt động san lấp mặt bằng, thi công xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, nước rửa trôi bề mặt của ngành than hiện vẫn chưa được thu gom triệt để.

 Lực lượng ĐVTN TP Hạ Long tham gia thu gom rác thải tại bãi biển Khu du lịch Bãi Cháy.

Chất lượng nước mặt đã có xu hướng được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng do ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số dẫn đến tăng khối lượng, thành phần rác thải sinh hoạt, khiến môi trường nước mặt bị ô nhiễm cục bộ ở nhiều nơi. Môi trường không khí của tỉnh hiện nay cũng đang phải chịu ảnh hưởng từ các hoạt động sản xuất thác than; sản xuất xi măng, nhiệt điện; hoạt động xây dựng, chỉnh trang đô thị kết hợp với việc cải tạo, nâng cấp mở rộng mạng lưới GTVT đã gây ô nhiễm cục bộ tại các đô thị, các khu dân cư tập trung.

Các khu đô thị mới đã đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước riêng đưa về trạm xử lý, hoặc đấu nối với hệ thống thoát nước thải khu vực. Tuy nhiên, nước thải tại các khu dân cư hiện trạng chưa được thu gom, đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị, mà thải trực tiếp ra môi trường.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thời gian tới, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát, chủ động nhận diện, cảnh báo các vấn đề môi trường đặc biệt là các vấn đề môi trường biển đảo, môi trường xuyên biên giới, liên vùng, liên tỉnh; chủ động ngăn ngừa ứng phó các sự cố môi trường trên diện rộng. Ứng dụng KHCN nhằm thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh, cải thiện môi trường, đặc biệt khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn;

Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, các khu xử lý chất thải sinh hoạt; nâng cao năng lực hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường tự động trên địa bàn tỉnh với mục tiêu theo dõi chất lượng môi trường, kịp thời cảnh báo khi có dấu hiệu ô nhiễm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và phát triển KT-XH địa phương.

Thu Trang

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản