(Mặt trận) -Xác định người dân là chủ thể trong bảo vệ môi trường, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo xây dựng những mô hình tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư. Qua thực tiễn các mô hình này đã phát huy hiệu quả thiết thực góp phần thay đổi hành vi, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường sống.
|
Mô hình “biến rác thải thành tiền” của Chi hội Phụ nữ tổ 18, TP Hà Giang. |
Trước thực trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, MTTQ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên đã tập trung xây dựng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn ở thôn Thanh Sơn. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Thanh Sơn Nguyễn Văn Quân cho biết, ngay sau khi có chủ trương xây dựng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể đã tập trung tuyên truyền giúp người dân hiểu và ý thức được những lợi ích của việc thu gom rác và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Công tác Mặt trận thôn đã vận động nhân dân ủng hộ 43 thùng đựng rác để đặt ở những nơi công cộng. Toàn bộ rác hữu cơ sẽ được tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi hoặc được đem đổ vào hố rác để ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Rác thải nhựa, nilon, kim loại sẽ được thu gom để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu mang đi tái chế. Đặc biệt, từ tháng 1/2022, Ban Công tác Mặt trận thôn Thanh Sơn đã tiến hành triển khai việc hướng dẫn xây lò đốt rác gia đình. Hiện, mô hình này được người dân ủng hộ vì chi phí thấp, dễ thực hiện lại có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường.
Mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn tại thôn Thanh Sơn là một trong những cách làm hiệu quả được Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang triển khai tại nhiều huyện, thành thị. Đến nay, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản đã góp phần giúp nhiều địa phương tháo gỡ những nút thắt về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Triệu Quốc Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang cho biết, trong những năm qua MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các huyện, thành phố phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường lồng ghép với 5 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tại các địa phương, MTTQ các cấp cũng tập trung vận động nhân dân xây dựng các tuyến phố, khu dân cư kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp, bổ sung những nội dung về bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước để người dân cùng thực hiện. Nội dung bảo vệ môi trường cũng được đưa vào tiêu chuẩn thi đua, bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.
Đến nay, tại 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều có cách làm hay, sáng tạo trong công tác chung tay bảo vệ môi trường như, mô hình “Thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Tổ thu gom rác thải”, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”. Thông qua việc xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản này, Mặt trận các cấp không chỉ góp phần thay đổi diện mạo ở nhiều vùng nông thôn mà còn gắn kết, thúc đẩy người dân tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
V.M