Tin mới

Bảo vệ môi trường từ phân loại rác thải sinh hoạt ở Hải Lệ

(Mặt trận) -Nhận thức việc bảo vệ môi trường (BVMT) là vấn đề quan trọng, những năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải từ nguồn. Nhờ vậy, môi trường, cảnh quan vùng nông thôn nơi đây luôn đảm bảo các tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

 UBND xã, Hội LHPN xã Hải Lệ trao tặng thùng rác, sọt đựng rác cho hội viên phụ nữ thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt -Ảnh: K.S

Trước đây, với tâm lý việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện nên đa số các hộ gia đình ở Hải Lệ thường gom tất cả các loại rác thải vào một bao đựng rác chung và tổ thu gom rác thải của thôn đi thu gom tại nhà, sau đó vận chuyển ra bãi thu gom của xã và được xe của Công ty Môi trường đô thị thị xã vận chuyển đến bãi tập kết. Vì vậy, lượng rác thải ra môi trường rất lớn, gây khó khăn cho việc phân loại rác và quá tải các bãi rác, ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng đó, Hội LHPN xã đã có ý tưởng xây dựng mô hình điểm và phương pháp tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên, phụ nữ và Nhân dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình, góp phần cùng địa phương đảm bảo tiêu chí về môi trường, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Hội đã tham mưu UBND xã làm tốt công tác tuyên truyền, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; thuyết phục, vận động các hộ dân nắm bắt các quy định về BVMT, các nội dung quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trên trang fanpage “Phụ nữ Hải Lệ”, hệ thống truyền thanh của xã, tại buổi sinh hoạt của các chi hội phụ nữ, tổ hội phụ nữ, câu lạc bộ “Thể dục nhịp điệu”...

Phối hợp với cấp ủy chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận thôn cùng tổ chức chính trị - xã hội thôn Như Lệ tiến hành khảo sát, chọn tuyến đường Mạc Đỉnh Chi gồm 31 hộ dân tham gia triển khai thực hiện thí điểm mô hình vào tháng 2/2022. Nhận thức được ý nghĩa thiết thực của mô hình, các hộ dân đều đồng tình cao và thực hiện ký cam kết thực hiện.

Để mô hình thực hiện có hiệu quả, Hội LHPN xã phối hợp với UBND xã kêu gọi các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình mỗi nhà 1 thùng rác có nắp đậy, 1 sọt rác, 1 bản tiêu chí về phân loại rác thải dán tại các hộ gia đình để người dân tiện theo dõi và thực hiện đúng quy định. Đồng thời, hướng dẫn kỹ lưỡng cho các gia đình thu gom, phân từng loại rác riêng như: đối với rác hữu cơ như: rau, lá cây, bã chè, gỗ mục... được dùng để đốt, làm phân bón hữu cơ hoặc làm thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh tại hố đất do các hộ gia đình tự đào.

Chất thải rắn khó phân hủy là những thành phần rác vô cơ và chất rắn như: túi nilon, hộp xốp, các loại rác như chai thủy tinh... thu gom vào thùng rác có nắp đậy để công nhân môi trường thu gom và vận chuyển đi. Chất thải rắn có thể tái chế như chai nhựa, vỏ lon, vỏ đồ hộp, giấy... thu gom vào sọt rác để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu hoặc hỗ trợ phụ nữ nghèo.

Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Như Lệ Nguyễn Thị Trinh cho biết: “Sau một thời gian ngắn triển khai, thấy hiệu quả mang lại rõ rệt nên mô hình được nhân rộng trong toàn thôn. Hiện thôn có hơn 300 hộ gia đình tham gia mô hình. Các hộ dân chịu trách nhiệm chọn địa điểm để xử lý rác hữu cơ ngay tại trong vườn, cam kết không thải rác hữu cơ ra môi trường. Sau mỗi lần phân loại rác thải, chị em trong thôn tập kết ve chai lại về một mối, mỗi quý bán 1 lần, số tiền thu được bình quân khoảng 1,2 triệu đồng.

Chi hội sử dụng nguồn này để tặng quà, mỗi suất 200 nghìn đồng cho 6 trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Các loại rác thải còn lại, 2 lần/tuần có tổ thu gom của thôn đến tận nhà lấy đưa đến các điểm tập kết rác theo quy định. Các hộ dân trong thôn tình nguyện đóng kinh phí trả công cho tổ thu gom rác của thôn (15 nghìn đồng/hộ/ tháng). Thông qua mô hình này còn góp phần tạo thu nhập cho các chị tham gia tổ thu gom rác, đây là những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.

Từ thực hiện thí điểm tại đường Mạc Đỉnh Chi của thôn Như Lệ, đến nay, mô hình được nhân rộng trên địa bàn toàn xã. Hằng năm, sau khi phát động xây dựng mô hình, Hội LHPN xã thường xuyên kiểm tra việc phối hợp thực hiện và việc cam kết các hộ dân đã ký. Qua kiểm tra, các hộ đều tích cực hưởng ứng thực hiện tốt mô hình phân loại rác thải do hội phụ nữ phát động.

Đối với rác tái chế được, BCH Hội LHPN xã chủ động đề nghị các hộ gia đình hỗ trợ cho các chi hội để thực hiện mô hình “Thu gom ve chai hướng đến phụ nữ nghèo”. Nhờ vậy, từ khi phát động đến nay, mô hình thu gom và bán ve chai được hơn 30 triệu đồng, từ nguồn này các chi hội đã trao nhiều suất quà hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Lệ Hồ Thị Lệ Xuân cho biết: “Việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng. Để hoạt động của các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt thực chất và đến tận người dân, ngoài việc tuyên truyền trực tiếp và tổ chức ký cam kết đối với các hộ gia đình trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, tại các buổi sinh hoạt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN xã tổ chức hội thi trực tuyến “Tuyên truyền về phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” trên địa bàn toàn xã. Hoạt động này tạo sự lan tỏa tích cực trong người dân nhằm nâng cao ý thức của chị em và Nhân dân trong việc bảo vệ môi trường”.

K.S

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản