(Mặt trận) -Nhờ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, diện mạo nông thôn của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh ngày càng khởi sắc, sáng - xanh - sạch - đẹp. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
|
Mô hình "Biến rác thành tiền" được triển khai hiệu quả tại các xã, thôn, bản của Bình Liêu. |
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới với trên 96% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nơi vẫn còn giữ nếp sinh hoạt lạc hậu. Vì vậy, Bình Liêu đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quy định thực hiện nếp sống văn hoá ở các xã, thôn, bản, cơ quan, đơn vị.
Song song với công tác tuyên truyền, vận động, huyện tiếp tục dành nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng về môi trường. Nổi bật, năm 2022, huyện đã tuyên truyền, vận động 1.005 hộ đăng ký xây nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó 856 hộ đã hoàn thiện xây nhà tiêu và 149 hộ đang thực hiện.
Huyện cũng duy trì thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn trung tâm các xã, thị trấn, dọc tuyến đường QL18C đến nơi xử lý theo quy định; hướng dẫn người dân tại các thôn, bản về việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn, nhờ đó tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 50%; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom tái chế sử dụng đạt trên 90%.
Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vệ sinh môi trường với nhiều hoạt động và mô hình triển khai thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, Hội LHPN huyện đã chủ trì, tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn hội viên về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hộ gia đình; tổ chức các đợt cao điểm ra quân dọn vệ sinh môi trường nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Hội Phụ nữ huyện hiện đang duy trì 22 mô hình về thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn như: Mô hình “Chi hội phụ nữ sống xanh”, “Biến rác thành tiền”, “Hố ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh”.
Chị Trần Lan Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Vô Ngại, cho biết: Mô hình “Hố ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh” được chúng tôi triển khai thí điểm tại 2 chi hội từ năm 2022. Những hộ tham gia ngoài được hỗ trợ nắp đậy, còn được hỗ trợ về kỹ thuật và hướng dẫn phương pháp ủ đúng cách. Từ đây, các loại rác thải hữu cơ được xử lý một cách vệ sinh và có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng, hoa màu nên rất tiết kiệm, hiệu quả… Hiện toàn xã đã có 22 hố ủ phân hữu cơ và dự định trong năm nay, Hội LHPN xã Vô Ngại sẽ tiếp tục mở rộng mô hình tới các hội viên còn lại.
Cùng với Hội Phụ nữ, các tổ chức đoàn thể cũng phát huy vai trò tích cực trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Hội Nông dân các cấp tiếp tục triển khai mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng” với trên 60 mô hình ở các chi hội được thành lập và hoạt động tương đối hiệu quả. Huyện Đoàn Bình Liêu cũng thường xuyên phát động các chương trình dọn vệ sinh môi trường tại đường biên, cột mốc biên giới. Đặc biệt, hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” đến nay đã đi vào nền nếp, là hoạt động định kỳ hàng tuần, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, huy động được sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.
Với những giải pháp hiệu quả, thiết thực, huyện Bình Liêu đang nỗ lực nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và cộng đồng dân cư trong tham gia bảo vệ môi trường sống, góp phần đưa diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ.
Ngọc Bích