Tin mới

Bình Phước tạo bước đột phá trong mục tiêu giảm nghèo vùng DTTS

(Mặt trận) -Những năm gần đây, với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ, tỉnh Bình Phước đã và đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của đồng bào DTTS, đặc biệt là bà con sinh sống ở vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

MTTQ thị trấn Yên Sơn phát huy sức mạnh đoàn kết

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Châu Điền phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

MTTQ các cấp tỉnh Hải Dương dự kiến hỗ trợ xây dựng 185 nhà 'đại đoàn kết' cho hộ nghèo

Cái nghèo đã hết đeo bám bà con vùng biên 

Chúng tôi có dịp về thăm bà con đồng bào DTTS ở các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và Lộc Ninh những ngày đầu năm mới 2021. Đây là những địa bàn vùng sâu, vùng xa biên giới của tỉnh Bình Phước. 

Dọc trên khắp các ngả đường thôn, ấp, những con đường đất bụi đỏ mịt mù ngày nào, nay đã được thay dần bằng những con đường tráng nhựa, hoặc đổ bê tông sạch sẽ. Những ngôi nhà tranh lợp lá của bà con cũng đã và đang được thay thế dần bởi những ngôi nhà xây tường gạch kiên cố. Đời sống của đồng bào nơi đây đã được cải thiện và nâng cao rõ rệt, đang dần bắt nhịp, hòa chung vào sự phát triển của địa phương.

 Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước trao nhà ở Đại đoàn kết và tặng quà cho bà con đồng bào DTTS vùng biên sâu biên giới huyện Lộc Ninh.

Đến thăm gia đình ông Liêu Văn Kỳ, sinh năm 1961, dân tộc Tày, tại ấp 5, xã Thanh Hòa, huyện biên giới Bù Đốp, ông Kỳ cho hay, gia đình ông từ Cao Bằng vào Bù Đốp lập nghiệp từ những năm 1990. Trước đây, hàng ngày ông phải đi làm thuê khiếm sống, kinh tế gia đình gặp khó khăn chồng chất. Sau bao năm, cái nghèo vẫn cứ đeo bám, khiến gia đình ông không sao vươn lên được.

Từ năm 2016, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình ông được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội 45 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn tích góp của gia đình, ông Kỳ đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi trâu sinh sản và chăm sóc vườn điều. 

Đến nay, gia đình ông đã có 05 con trâu sinh sản và có hơn 2,8 ha điều đang thu hoạch. Hàng năm, gia đình ông đang thu nhập hơn 100 triệu đồng để trang trải chi phí và nuôi cho con ăn học đàng hoàng. Ngôi nhà lá lụp xụp ngày nào, nay cũng đã được ông thay bằng  ngôi nhà kiên cố, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Gia đình ông Kỳ không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả tại địa phương.

Tương tự, khi đến gia đình chị Điểu Thị Liệt, dân tộc S’Tiêng, tại thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện biên giới Bù Gia Mập, chúng tôi không khỏi bất ngờ, khi ở một địa bàn vùng sâu lại có một quầy hàng tạp hóa với đầy đủ các món từ rau, củ, quả, thực phẩm đến đồ gia dụng. Điều ngạc nhiên, bà chủ của cửa hàng tạp hóa trên, cách đây 2 năm còn là một trong những hộ thuộc diện nghèo, khó khăn của xã.

“Trước đây, gia đình tôi nằm trong diện hộ nghèo nên được vay vốn chính sách 30 triệu đồng để phát triển vườn tiêu. Sau 2 năm, vườn tiêu cho thu hoạch tốt, gia đình đã trả được khoản nợ 30 triệu đồng. Sau đó, gia đình tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở cửa hàng tạp hóa. Đến nay, cửa hàng tạp hóa cho thu nhập ổn định, 3 người con được đi học đầy đủ. Năm nay, gia đình tôi đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã”, chị Liệt phấn khởi cho hay.

Tương tự, gia đình anh Điểu Điểm, dân tộc Stiêng, ở ấp Bù Linh, xã Lộc Phú, huyện biên giới Lộc Ninh, là một trong những hộ đồng bào tiêu biểu về ý chí và nghị lực vươn thoát nghèo. Điểu Điểm cho hay, năm 2013, khi mới lập gia đình và ra ở riêng, lúc đó hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào việc đi làm cỏ mướn trang trải cuộc sống.

Năm 2019, gia đình anh Điểm đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Gia đình anh Điểm được vay vốn, với số tiền 50 triệu đồng; được hướng dẫn sử dụng nguồn vốn phù hợp điều kiện của gia đình. Từ đó, anh Điểm đã mạnh dạn mua bò, dê phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ chăm chỉ, cần cù chịu khó học hỏi, chỉ sau một năm (năm 2020) gia đình anh Điểm đã có 4 con bò và đàn dê gần 10 con. Bên cạnh đó, gia đình anh còn trồng thêm được 220 nọc tiêu.

Chị Mẫn (vợ anh Điểu Điểm) phấn khởi: “Gia đình em rất là vui mừng, nếu như Nhà nước không quan tâm, thì gia đình em cực khổ lắm. Hiện nay, gia đình em cũng tạm ổn, em sẽ vươn lên để thoát nghèo trong năm nay”.

Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, cho biết, để hỗ trợ đồng bào DTTS, đặc biệt là những bà con đồng bào trên địa bàn vùng sâu vùng xa biên giới, từng bước thoát nghèo bền vững, những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình, chính sách của Trung ương, cũng như địa phương. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế cho bà con đồng bào như: tiếp cận vay vốn, mua sắm nông cụ sản xuất, trao con giống, cây giống,… Từ đó, bà con có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. 

Quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, phong trào “Toàn dân chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” thời gian qua, đã được sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh Bình Phước. Tnh Bình Phước cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, nhất là với các hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Trung bình mỗi năm Bình Phước giảm 1,9% số hộ nghèo DTTS. Có 01 xã và 17 thôn hoàn thành Chương trình 135; giảm 10 xã khó khăn (từ 38 xã năm 2015 giảm còn 28 xã vào năm 2020). Cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản đáp ứng yêu cầu, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của đồng bào; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; quốc phòng và an ninh vùng dân tộc thiểu số cơ bản đảm bảo ổn định.

Đặc biệt, trong hai năm 2019 và 2020, tỉnh đã tập trung gần 137 tỷ đồng ngân sách để thực hiện giảm 2.000 hộ nghèo DTTS trên địa bàn; qua đó đã giúp đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết: “Một trong những điểm nhấn trong thực hiện công tác giảm nghèo là Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, từ đó các địa phương, đơn vị lấy đó làm căn cứ,chỉ tiêu để thực hiện.

Đến nay, Bình Phước đã thực hiện bước đầu thành công chương trình giảm nghèo vượt mục tiêu đề ra. Năm 2020, toàn tỉnh có 1.108 hộ thoát nghèo, vượt 111% kế hoạch. Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã giảm được gần 3,6% tỉ lệ hộ nghèo, tương đương với khoảng 8.000 hộ, đưa tỉ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 6% năm 2016 xuống còn hơn 2,5% vào năm 2020. Toàn tỉnh Bình Phước hiện chỉ còn hơn 3.400 hộ nghèo. Đặc biệt, không còn tỉ lệ hộ nghèo thuộc người có công với cách mạng.

Tính riêng năm 2020, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ xây dựng 719 căn nhà đại đoàn kết, với tổng trị giá khoảng 57,52 tỷ đồng cho 8 huyện, thị xã. Trong đó, dự kiến hỗ trợ chương trình xóa 1.000 hộ nghèo DTTS sẽ xây dựng 451 căn nhà. Ngoài ra, tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ 190/511 nhà vệ sinh; 220/574 hộ có nhu cầu nước sinh hoạt; hỗ trợ kéo điện cho 20/413 hộ; 33/497 cái tivi; vay vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội 146/192 hộ; tạo việc làm cho 782/1.629 nhu cầu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lý Trọng Nhân cho rằng, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, đồng bào các DTTS sinh sống chủ yếu ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, có cơ sở hạ tầng kém phát triển; khả năng tiếp thu kiến thức khoa học công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư phát triển vùng DTTS còn hạn chế, phân bổ chưa kịp thời, đầy đủ theo kế hoạch đề ra, địa phương thiếu quỹ đất sản xuất…

Chính vì thế, trong giai đoạn 2020 – 2025, Bình Phước sẽ tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Theo ông Nhân, vừa qua, Ban Dân tộc đã tham mưu đề xuất với UBND tỉnh Bình Phước, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương từ 3 - 5%, tiếp tục đẩy mạnh việc kết hợp lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn của doanh nghiệp, vốn xã hội hóa... để thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đầu tư cho vùng DTTS.

Bình Phước là một tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, với diện tích tự nhiên là 6.876,76 km2, dân số là 997.766 người. Trong đó, có 40 dân tộc thiểu số, với 193.860 nhân khẩu, chiếm 20,14% dân số toàn tỉnh. Bà con đồng bào DTTS làm nghề nông nghiệp, sinh sống phân tán, đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, tập trung ở những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới (15 xã biên giới, thuộc 03 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập).

D.H

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản