Tin mới

Chiến lược phòng dịch của tỉnh duy nhất chưa có F0

(Mặt trận) - Là địa phương có hơn 300 km đường biên giới, tỉnh Cao Bằng đang giữ vững thành quả chưa có ca mắc Covid-19 nhờ chiến lược “phòng dịch từ xa” với phương châm đi trước một bước và cao hơn một mức để không phải chống dịch.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Tiền Giang: Cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo

Mặt trận Tổ quốc huyện Xuân Trường đoàn kết nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Tỉnh Cao Bằng đưa công dân đi cách ly tập trung khi nhập cảnh vào tỉnh 

Phòng dịch từ xa, bám chắc cơ sở

Tỉnh Cao Bằng đến nay là địa phương duy nhất của cả nước giữ được “vùng xanh” khi chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, trong rất nhiều yếu tố quyết định, việc toàn hệ thống chính trị của tỉnh kích hoạt đồng bộ phương án phòng dịch từ xa là yếu tố quan trọng nhất.

Ngay lúc khởi phát dịch tại TP Vũ Hán (Trung Quốc), từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, các tỉnh biên giới trong đó có Cao Bằng được xem là tuyến đầu tập trung phòng chống dịch xâm nhập. Những chốt trạm kiểm soát dịch Covid-19 đầu tiên của cả nước được  đặt tại Cao Bằng và các tỉnh có chung đường biên với Trung Quốc.

Ông Ánh nhiều lần nhấn mạnh về diễn biến khó lường của dịch bệnh và nguy cơ dịch xâm nhập có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên toàn hệ thống phải ngày đêm làm việc tập trung ở mức cao nhất.

Xuyên suốt trong chiến lược phòng dịch của tỉnh Cao Bằng là giữ vững phương án dự phòng từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Nguyên tắc phòng chống dịch là siết chặt kiểm soát từ bên ngoài, không buông lỏng quản lý từ bên trong.

“Từ thời điểm trước mốc thời gian 29/4, tỉnh Cao Bằng ra văn bản quy định người dân, cán bộ, công chức trở về từ các địa phương phải được kiểm soát chặt chẽ. Thời điểm đó nhiều ý kiến cho rằng cách làm này là cực đoan nhưng khi nhìn lại nhiều người nhận ra giá trị của việc chủ động phòng chống dịch có ý nghĩa rất lớn”, ông Hoàng Xuân Ánh dẫn chứng về sự chủ động của tỉnh Cao Bằng.

Cách phòng dịch của Cao Bằng được thực hiện theo phương án huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó ngành y tế là lực lượng nòng cốt. 

Các lực lượng biên phòng, quân đội, công an là lực lượng quan trọng hỗ trợ đắc lực cho tỉnh trong việc ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm bên ngoài vào địa bàn tỉnh.

Tỉnh xây dựng hệ thống để tổ chức thực hiện cách ly y tế tập trung. Kiểm soát người đến, về từ các ổ dịch trong nước nhằm kịp thời phát hiện sớm và ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, tỉnh giám sát để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, áp dụng các biện pháp phòng dịch kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. 

Các tổ Covid cộng đồng được thành lập ở các xã, phường, thị trấn nhằm kịp thời tuyên truyền và nắm bắt dịch bệnh ở từng ngõ ngách, từng nhà dân. Ngoài ra, Cao Bằng xây dựng các kịch bản, phương án về cách ly, thu dung và dập ổ dịch để ứng phó với cấp độ, tình huống dịch bệnh có thể xảy ra để tránh bị động.

“Tỉnh từng có thời điểm phải tạm phong tỏa một khu dân cư có trường hợp nghi mắc Covid-19, từng truy vết, khoanh vùng ca nghi ngờ F0. Để thấy rằng tâm thế của tỉnh luôn chủ động khi phát sinh tình huống của dịch bệnh”, ông Hoàng Xuân Ánh cho biết.

Giữ chắc đường biên, bảo vệ “vùng xanh”

Với hơn 330km đường biên với Trung Quốc cùng hàng trăm đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới, tỉnh Cao Bằng dồn nhiều lực lượng để giữ chắc các chốt kiểm soát dịch ở các vị trí trọng yếu.

Trong suốt gần 2 năm, tỉnh Cao Bằng chỉ đạo Bộ đội biên phòng phối hợp với UBND các huyện có đường biên giới tăng cường kiểm tra kiểm soát khu vực biên giới. Với hơn 130 tổ chốt cố định và nhiều tổ chốt lưu động thường xuyên tuần tra kiểm soát khu vực biên giới đã kịp thời phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép để đưa đi cách ly tập trung.

Bên cạnh giữ chặt đường biên giới, tỉnh Cao Bằng duy trì ổn định ở bên trong khi xây dựng hệ thống khu cách ly những người từ bên kia biên giới vào tỉnh và các công dân từ vùng dịch trở về địa phương.

Theo thống kê của tỉnh Cao Bằng, từ tháng 2/2020 đến nay, tỉnh tiếp nhận gần 25.000 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc. Với số lượng người cách ly lớn, tỉnh giao lực lượng quân sự là nòng cốt phối hợp với y tế, công an và các đoàn thể địa phương. Việc áp dụng chặt chẽ các quy định tại khu cách ly, đặc biệt là đảm bảo giãn cách đã giúp các khu cách ly tránh không bị lây nhiễm chéo.

“Mặc dù hiện nay toàn tỉnh chỉ cách ly hơn 200 người, tuy nhiên chúng tôi yêu cầu mỗi huyện tối thiểu phải có ít nhất 2 khu cách ly tập trung với sức chứa khoảng 200 người để phòng các trường hợp diễn biến mới của dịch bệnh”, ông Ánh thông tin.

Nhận diện nguy cơ để có giải pháp

Chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, các biện pháp mà tỉnh Cao Bằng áp dụng cho thấy địa phương đang “đi trước một bước và cao hơn một mức” trong phòng chống dịch bệnh.

Một trong những cách phòng dịch của tỉnh Cao Bằng là nhận diện và dự báo trước các nguy cơ để lên phương án, giải pháp. Cụ thể, có ba nhóm nguy cơ chính được nhận diện gồm nguy cơ lây nhiễm từ các ổ dịch trong nước xâm nhập vào địa bàn; hai là nguy cơ lây nhiễm từ công dân nhập cảnh trái phép qua biên giới xâm nhập vào nội địa tỉnh; ba là biến chủng mới của dịch bệnh tốc độ lây lan và nguy hiểm sẽ là nguy cơ khó kiểm soát nguồn lây.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhìn nhận, hiện nay tỉnh còn nhiều vấn đề về hạ tầng y tế, năng lực chống đỡ dịch bệnh còn yếu nên phương án phòng dịch đang được ưu tiên số một để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

“Toàn tỉnh có một máy xét nghiệm với công suất hơn 300 mẫu một ngày, lực lượng nhân viên y tế còn mỏng, cọ xát với thực tế chống dịch chưa nhiều. Có thời điểm đầu chống dịch, chúng tôi phải gửi các mẫu đi Thái Nguyên để lấy kết quả”, ông Ánh nói và cho biết, nếu dịch bùng phát, dù chủ động về mọi mặt nhưng sẽ có nhiều khó khăn được dự báo trước.

Khi nhận diện được nguy cơ, tỉnh Cao Bằng đưa ra giải pháp với quyết tâm cao nhất là giữ vững thành quả của việc phòng, chống dịch Covid-19.

Tỉnh yêu cầu các đơn vị chấp hành chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác với quan điểm “phòng” là cơ bản, lâu dài, quyết định, “chống” là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng. 

Tỉnh Cao Bằng yêu cầu các địa phương lên phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng nâng lên một mức. Đặc biệt quan tâm thực hiện siết chặt kiểm soát từ bên ngoài, không buông lỏng quản lý từ bên trong.

Đặc biệt, nhận định vắc xin là chiến lược chống dịch hiệu quả nhất, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đến nay, với lượng vắc xin được phân bổ, tỉnh Cao Bằng đã tiêm cho hơn 107.000 người, trong đó 63.500 người được tiêm mũi một và hơn 43.500 người tiêm đủ hai mũi.

Để chủ động nhận diện dịch bệnh ở các nhóm nguy cơ (chợ, nơi tập trung đông người, cửa khẩu, trường học…), tỉnh Cao Bằng hàng ngày tổ chức tầm soát ngẫu nhiên bằng phương pháp test nhanh để chủ động phát hiện các ca mắc Covid-19. Trung bình mỗi ngày khoảng 4-5 nghìn mẫu được lấy cho kết quả. 

Tỉnh này cũng bổ sung lực lượng tại các cửa khẩu, tăng cường tuần tra kiểm soát dọc theo đường biên giới, nhất là các đường mòn lối mở, không để xảy ra trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tỉnh giao các huyện khảo sát và thành lập các khu cách ly từ tỉnh đến huyện, xã, phối hợp với quân khu để điều tiết khi số lượng công dân quá tải.

Đồng thời, chỉ đạo từng đơn vị, địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ” và thực hiện triệt để 5 nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ trong chống dịch, tỉnh Cao Bằng đang vận dụng sức dân để tạo nên thế trận phòng chống dịch hiệu quả. Mỗi người dân, mỗi gia đình, từng địa bàn dân cư sinh sống như một pháo đài chống dịch, hỗ trợ chính quyền trong việc chủ động phát hiện, khai báo kịp thời các trường hợp về từ các vùng đỏ dịch bệnh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản