|
Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long bàn giao "Nhà đại đoàn kết" cho các hộ gia đình ở xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm. |
Những ngôi nhà mới kiên cố, khang trang thay cho những ngôi nhà tạm bợ được bàn giao cho các hộ gia đình, không chỉ là sự quan tâm về vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần, để người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Giấc mơ thành hiện thực
Năm 2024, huyện Vũng Liêm đã xây mới, sửa chữa hơn 180 căn nhà cho các hộ dân. Những ngôi nhà mới khang trang thay cho những ngôi nhà tạm bợ đã phần nào hiện thực hóa ước mơ an cư của các hộ gia đình còn khó khăn.
Trong căn nhà mới tinh tươm còn nức mùi sơn, gia đình anh Nguyễn Hoàng Văn (ngụ xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm) phấn khởi vì được tiếp sức trong hành trình xây dựng tổ ấm. Hai vợ chồng anh Văn còn trẻ, gia đình lại khó khăn, không có vốn nên khi ra riêng không xây nổi căn nhà kiên cố. Nhờ có địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà mới này, gia đình anh có điều kiện sống ổn định hơn. Hiện tại, với nghề sửa điện tử, anh Văn mở một tiệm nhỏ ngay tại nhà để có thêm thu nhập. Anh Nguyễn Hoàng Văn cho biết: “Cuộc sống khó khăn, phải lo thêm hai con nhỏ nên tôi chưa dám mơ ước một căn nhà khang trang như thế này. Được địa phương hỗ trợ, gia đình tôi mừng lắm. Từ căn nhà này, hai vợ chồng có thêm động lực chí thú làm ăn để có thêm thu nhập chăm lo cho hai con được đầy đủ”.
Phấn đấu xóa nhà tạm, nhà dột nát được xem là một nhiệm vụ cấp bách mà các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long quyết tâm hoàn thành. Sự quan tâm kịp thời cùng chính sách hỗ trợ nhân văn là nguồn lực mạnh mẽ tiếp sức các hộ gia đình. Mỗi căn nhà được hoàn thành giúp các hộ nghèo được an cư, không còn gánh nặng về nhà ở, từ đó có điều kiện để tập trung cho việc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ông Thạch Thanh Hà (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn) cho biết, gia đình rất vui mừng khi được hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố. Bên cạnh sự hỗ trợ của địa phương, bản thân ông cũng có ý thức tự đóng góp kinh phí, ngày công để hoàn thành. Ông Thạch Thanh Hà nói: “Lúc trước căn nhà này mục hết. Gia đình tôi phải ở cái chòi phía sau, chờ khi nào có điều kiện sẽ sửa chữa lại. Nhờ được hỗ trợ kinh phí xây nhà mới, tôi rất mừng. Gia đình tôi đóng góp thêm tiền, bản thân tôi phụ ngày công để sớm hoàn thành. Có căn nhà kiên cố giúp tôi yên tâm, ráng trồng thêm rau màu để có thu nhập, dành dụm cho gia đình khá giá hơn”.
Cách đó không xa, bà Thạch Thị Tha (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn) phấn khởi khi dọn vào căn nhà mới. Cách đây vài năm, bà Tha được mẹ cho mảnh đất nhỏ, bà dựng chòi để sống qua ngày. Do sức khỏe yếu, bà Tha không thể làm việc gì nặng nhọc. Khoản tiền từ công việc lột vỏ hạt điều chỉ đủ lo cơm hàng ngày cho bà và đứa cháu. Vì thế, giấc mơ về một căn nhà kiên cố là điều mà bà Tha không dám nghĩ. Giờ đây, được địa phương hỗ trợ kinh phí để xây dựng căn nhà mới, bà Thạch Thị Tha mừng lắm vì từ nay không còn phải chịu cảnh mưa tạt, gió lùa.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Ngô Vĩnh Tuân cho biết, trong năm 2024, xã đã xây dựng 56 căn nhà cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer khó khăn về nhà ở. Ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, việc hoàn thành sớm các căn nhà có sự đóng góp từ ý thức tự lực vươn lên của từng hộ gia đình. Qua việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, các hộ dân đồng tình, phấn khởi, có ý thức vươn lên hơn trong lao động, sản xuất ở địa phương. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục rà soát những hoàn cảnh khó khăn, động viên các hộ nỗ lực vượt khó, đồng thời vận động các nguồn kinh phí để kịp thời hỗ trợ, giúp các hộ an cư, có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Huy động nguồn lực, chung tay xóa nhà tạm
Thời gian qua, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Vĩnh Long đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Công tác xóa nhà tạm đã tạo được mối liên kết giữa các đơn vị tài trợ với chính quyền địa phương, các đoàn thể, tạo được hiệu ứng xã hội để cộng đồng cùng chung tay vì giấc mơ an cư của người nghèo.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thụy Yến Phương cho biết, năm qua, các cấp Hội trong tỉnh vận động xây dựng 56 căn nhà cho các hộ dân, tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. Để đạt kết quả này, các cấp Hội đã phát huy tốt vai trò là cầu nối, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời này không chỉ mang món quà quý về vật chất, mà còn là nguồn động viên to lớn đối với các gia đình còn khó khăn, luôn ấp ủ mơ ước có được một căn nhà kiên cố. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục tích cực phối hợp các ngành, tranh thủ sự đồng hành từ các nhà tài trợ để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, lan tỏa các giá trị nhân đạo, giúp người dân khó khăn ổn định cuộc sống.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng, sửa chữa 6.933 căn nhà; trong đó xây dựng, sửa chữa 2.172 căn nhà cho người có công với cách mạng và 4.761 căn cho hộ nghèo, cận nghèo. Triển khai Kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các hộ gia đình thuộc diện hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nhà ở. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng đề nghị hỗ trợ. Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến cuối tháng 4/2025, sẽ cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát cho các đối tượng trên.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Trần Thanh Lâm cho biết, năm 2024, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp kinh phí, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo đang khó khăn về nhà ở. Qua triển khai thực hiện, các địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ hơn 600 căn nhà cho người dân, tạo điều kiện để các hộ có nhà ở được tươm tất, từ đó phấn khởi và an tâm trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn phát sinh nhiều trường hợp khó khăn về nhà ở do không có đất để xây dựng, hoặc không đủ kinh phí đối ứng khi được hỗ trợ; một số gia đình mới tách hộ, chưa đủ khả năng kinh tế để xây dựng nhà ở kiên cố…
Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương rà soát, thống kê để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp, phát huy hiệu quả các nguồn lực vận động được để chăm lo đến đúng đối tượng, đảm bảo tiến độ kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát mà tỉnh đã đề ra.
Thúy Hằng (TTXVN)