Tin mới

Chuyển biến tích cực trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở Hải Lăng

(Mặt trận) -Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các ban, ngành, đoàn thể của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị triển khai sâu rộng và thực sự đi vào cuộc sống. Từ đó củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phát huy tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới tại xã Hải Định, huyện Hải Lăng - Ảnh: H.T

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/ TW của Bộ Chính trị và các nghị định của Chính phủ về thực hiện QCDC ở cơ sở, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Hải Lăng đã tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân; được đông đảo Nhân dân đồng tình, hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, đồng thuận trong xã hội.

Đặc biệt, các cấp chính quyền đã đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân, sát dân hơn; tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Các tầng lớp nhân dân đã phát huy dân chủ, đồng thuận, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức trách nhiệm công dân được nâng cao.

UBND huyện cũng đã chủ động, kịp thời phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội huyện; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội cấp xã, thôn, khóm tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, về thực hiện QCDC ở cơ sở nói riêng, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chỉnh trang nông thôn”; xây dựng “Thôn nông thôn mới”, “Gia đình nông thôn mới”, “Tuyến đường kiểu mẫu”...

Mặt khác, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các hoạt động giám sát và vận động Nhân dân giám sát việc thực hiện QCDC trên nhiều lĩnh vực thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, qua đoàn viên, hội viên.

Công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tương thân, tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Với hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động giám sát, thể hiện rõ trách nhiệm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong mọi lĩnh vực đời sống, từ kinh tế - xã hội đến xây dựng Đảng.

Theo đó, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện mở rộng dân chủ để Nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như bê tông hóa đường giao thông, công trình thủy lợi, điện chiếu sáng theo hình thức nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Đối với những nội dung mà Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, được thực hiện theo hình thức tổ chức họp đại diện hộ gia đình và biểu quyết thống nhất trước khi thực hiện. Nếu có vướng mắc thì chính quyền phối hợp với MTTQ và các đoàn thể cơ sở tuyên truyền, vận động thuyết phục những trường hợp chưa thống nhất cho đến khi tạo được sự đồng thuận, thống nhất chung mới triển khai thực hiện.

Việc mở rộng sự tham gia của Nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện dưới nhiều hình thức như: tổ chức tiếp công dân, giải quyết đơn thư; đối thoại với người dân để giải quyết về các điểm chưa thống nhất về địa giới hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy. Những hoạt động này đã tạo nên sự gần gũi hơn giữa chính quyền với Nhân dân.

Hiện nay, có 69/69 thôn, khóm trên địa bàn huyện đã có quy ước xây dựng thôn, khóm văn hóa và đã được UBND huyện công nhận; tỉ lệ làng, thôn, khóm đạt chuẩn văn hóa 93%; tỉ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa 95%. Có 69/69 trưởng thôn, khóm được tín nhiệm bầu và được UBND cấp xã công nhận theo đúng trình tự thủ tục, quy định; có 16/16 xã, thị trấn đã có ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Mặt khác, người dân thực hiện việc giám sát đối với các công trình xây dựng do dân đóng góp, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các công việc nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

Quá trình thực hiện QCDC luôn gắn liền với chương trình cải cách hành chính của tỉnh, huyện; nâng cao được nhận thức của cán bộ, công chức trong đổi mới chất lượng, hiệu quả công việc và ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo sắp xếp tổ chức, bộ máy, luân chuyển cán bộ; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ; rà soát, bãi bỏ một số văn bản không phù hợp, các thủ tục phiền hà; đăng tải công khai, dân chủ các thông tin và giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống thông tin điện tử, trang web...; công khai đường dây “nóng”; xây dựng tiêu chuẩn ISO, hiện đại hoá dịch vụ công.

Đến nay 100% xã, thị trấn đã thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” và có phòng tiếp dân, thứ hạng cải cách hành chính của huyện được nâng lên qua từng năm. Năm 2022, huyện Hải Lăng xếp thứ 1/10 huyện, thị xã, thành phố với 100% TTHC được tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp nhận và giải quyết 25.824 hồ sơ, trong đó, giải quyết sớm và đúng hạn đạt 100%; tiếp nhận 12.469 hồ sơ trực tuyến, đạt 48,28%.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Gắn việc thực hiện QCDC với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng ngày càng sát dân, tôn trọng ý kiến của Nhân dân với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát ở cơ sở về tình hình thực hiện QCDC để kịp thời tham mưu cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều chỉnh, bổ sung các quy định có liên quan đến thực hiện dân chủ trong các loại hình cơ sở một cách kịp thời và sát với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

Thu Hạ

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản