Tin mới

Chuyện xoá nhà tạm ở Kiến Thiết

(Mặt trận) -Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã nỗ lực lồng ghép việc xóa nhà tạm, dột nát với các chương trình, dự án giúp các hộ nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để làm nhà, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Tập huấn công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

An Giang: Phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết

Quảng Xương: Phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng nông thôn mới

Khó khăn về đất ở

Kiến Thiết là xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn. Toàn xã có 17 thôn, 1.443 hộ, 6.623 khẩu và 11 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông (chiếm 34,30%); dân tộc Tày (chiếm 29,82%); dân tộc Kinh (chiếm 14,51%). Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 479 hộ (chiếm 51,80%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 2,1 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết: Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án 308), qua rà soát, xã có 35 hộ nghèo có nhu cầu cần sửa chữa, làm nhà mới, đến nay, xã đã hỗ trợ làm mới được 12 căn nhà trên tổng số 35 hộ. Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là một số hộ trong diện xóa nhà tạm, dột nát, nhiều năm nay đang sinh sống trên đất rừng sản xuất, không đủ điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng để làm nhà theo Đề án 308.

 Ngôi nhà của anh Phùng Xuân Lảy, thôn Đồng Đi, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) đang dần hoàn thiện.

Đồng chí Hoàng Tiến Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kiến Thiết cho biết thêm: Với mỗi hộ nghèo làm nhà ở mới theo Đề án 308 của Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng/1 hộ, cùng với đó, mỗi hộ sẽ được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội... Tuy nhiên, một số hộ như gia đình anh Tráng Seo Thắng, thôn Khau Làng; gia đình chị Nguyễn Thị Lý, thôn Đồng Khẩn... mặc dù gia đình có đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có sổ, nhưng do đất đang ở là đất rừng sản xuất cây lâu năm, không phải đất thổ cư, nên xã chưa thể triển khai thực hiện hỗ trợ, đó cũng chính là một trong những yếu tố bất cập, cản trở việc thực hiện Đề án kịp tiến độ.

Ngoài một số hộ gặp khó khăn về đất ở, một số hộ nghèo, do điều kiện kinh tế eo hẹp, đang tín chấp vay tiền, không đủ điều kiện tách thửa và không đủ điều kiện cho, tặng đất ở cho con cháu, cũng khiến việc thực hiện Đề án gặp khó khăn. Anh Lù Văn Cường, thôn Khau Làng tâm tư: "Thôn mình thuộc Vùng 135, đường sá đi lại rất khó khăn, muốn làm nhà, xe cũng không có lối vào để tập kết nguyên vật liệu đến chân công trình, nên gia đình mình cũng chưa thể thu xếp làm nhà được trong năm nay".

Niềm vui của những ngôi nhà mới

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phùng Xuân Lảy, dân tộc Nùng, thôn Đồng Đi, xã Kiến Thiết (Yên Sơn), bên cạnh ngôi nhà cũ với diện tích chưa đầy 30 mét vuông của vợ chồng anh Lảy, chị Tâm là sự hiện hữu của ngôi nhà mới 3 gian một chái rộng rãi với diện tích 125 mét vuông đang dần hình thành. Anh Lảy phấn khởi chia sẻ: "Ngôi nhà cũ của vợ chồng mình, mái lá cọ, vách là gỗ ghép, nền đất, mưa hắt, nắng rọi, cơ cực lắm. Qua sự phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, nhà mình được hưởng lợi từ Đề án này. Tháng 7/2023 nhà mình khởi công, cán bộ xã, rồi bà con trong thôn xúm vào, mỗi người một tay, rồi bây giờ nó cũng đã "nên dáng, nên hình" như này. Mình vui lắm, cuối năm nay là mình có nhà mới để ở rồi".

Gia đình anh Lảy, chị Tâm, thôn Đồng Đi là một trong số những hộ nghèo, đất canh tác ít, thu nhập thấp, tự mình không có khả năng sửa chữa, làm mới nhà ở. Anh chị Lảy có 2 con đang tuổi đến trường, ngoài 2 sào ngô, 1 sào lúa, cả năm cho thu nhập 8 - 9 triệu đồng/1 năm, không đảm bảo cuộc sống, nên anh chị luôn sẵn sàng tinh thần dấn thân, nhập cuộc, ai thuê gì làm nấy. Từ việc đi kiếm lá tre bán cho thương lái sấy xuất khẩu, đến việc phát nương thuê, cắt bưởi thuê, nếu chăm chỉ, 2 công nhật của vợ chồng anh chị cũng mang lại thu nhập 400 ngàn đồng/2 người/1 ngày.

Cùng chung niềm vui của người đã hoàn thiện xong "ngôi nhà mới" và đưa vào sử dụng là gia đình anh Vàng Seo Sùng, chị Giàng Thị Lan, người Mông ở thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết. Anh Sùng bảo: Nhờ anh em họ hàng cho vay thêm và sự giúp đỡ ngày công của bà con trong thôn, sau 3 tháng thi công, căn nhà cấp 4 rộng 70 m2 của vợ chồng mình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tổng kinh phí ước tính trên 300 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50 triệu, nguồn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu, còn lại là tài sản anh chị chắt chiu tích lũy cùng với vốn đối ứng của gia đình.

Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát, thời gian qua nhiều hộ nghèo ở Kiến Thiết đã được hỗ trợ xây nhà mới, nhiều niềm vui mới đã hiện hữu, giúp người dân an cư, lạc nghiệp, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Theo đồng chí Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, để hoàn thành chỉ tiêu thực hiện Đề án, cấp ủy, chính quyền xã đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sinh hoạt, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các chương trình, dự án hỗ trợ cây, con giống, những giống cây trồng chất lượng cao; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật giúp tăng năng suất cây trồng; vận động người dân tích cực lao động sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập, từng bước có tích lũy, tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt để có chi phí đối ứng làm nhà, ổn định cuộc sống. 

Khánh Vân

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản