Tin mới

Cùng hành động, giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa

(Mặt trận) -Rác thải nhựa là một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Phần lớn rác thải nhựa không qua xử lý, được đốt, đổ vào các bãi chôn lấp, ra môi trường, đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 Rác thải nhựa mang theo các loại hóa chất chất độc hại ảnh hưởng xấu đến các sinh vật biển và sức khỏe của con người. Ảnh: Nguyễn Thành /TTXVN

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần cùng nhau hành động quyết liệt, hiệu quả để góp phần giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa theo hướng bền vững, thân thiện môi trường hơn.

Thay đổi hành vi tiêu dùng

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ gửi Thư ngỏ chính thức đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững. Nhiều cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như: thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần.

Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương triển khai nhiều mô hình sáng tạo, bước đầu đạt hiệu quả tốt để giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon, rác thải nhựa trên địa bàn như: chợ Cát Bà nói không với túi nilon khó phân hủy; khách sạn nói không với sản phẩm nhựa một lần; trường học không sử dụng túi nilon khó phân hủy, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; mô hình “Biến rác thành tiền”, “Xã đảo không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần”…

Tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), các chủ tàu thuyền, các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh, chợ... được vận động mua các đồ dùng, như làn nhựa, túi giấy thân thiện với môi trường để thay thế túi nilon. Du khách tại bến tàu Cái Rồng sẽ nhận túi giấy, túi nilon thân thiện môi trường miễn phí trước khi ra đảo Cô Tô. Với sự chung tay của nhiều nguồn lực, người dân và du khách Cô Tô từng bước thay đổi tư duy, bỏ thói quen dùng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn...

Để phát triển du lịch bền vững, từ ngày 1/9/2022, huyện Cô Tô đã thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi du lịch trên đảo. Đây là một trong những hoạt động tích cực của chính quyền và người dân nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh đẹp về Cô Tô trong mắt du khách, thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, rác thải sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 950 - 1.045 tấn/ngày, trong đó thành phần nhựa chiếm 8-12% và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Quá trình thu gom rác thải nhựa tại các bãi biển Thái Bình cho thấy rác thải phổ biến nhất là các loại bao bì nhựa và túi nilon… Trước thực trạng đó, tỉnh Thái Bình đã chủ động ban hành các văn bản chính sách về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy. Tỉnh đã xây dựng các mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển thông qua việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Thông qua việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn vừa giúp giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ra biển, ra môi trường, vừa tận thu được giá trị của những rác thải có thể tái chế, tái sử dụng, trong đó có rác thải nhựa.

Nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trên biển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Với mục tiêu chung, đến năm 2025, toàn tỉnh giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; thu gom 50% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 50% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy... Đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; thu gom 75% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy…

Khởi nguồn từ một phong trào hưởng ứng ngày “nói không với túi nilon” vào năm 2009, đến nay Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An (Quảng Nam) là địa phương thực hiện thành công “Nói không với túi nilon” và hiện cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước cam kết nói không với ống hút nhựa. Người dân trên đảo đã có những hành động rất cụ thể, thiết thực như ngừng xả rác, không tạo ra các sản phẩm là rác mà không có khả năng tái chế, khó phân hủy. Đến xã đảo này, nhìn đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người dân, tiểu thương sử dụng các vật liệu sinh thái, thân thiện với môi trường như túi giấy, túi lưới, rổ rá để đi chợ; dùng các loại lá như lá chuối, lá môn, lá bàng, các loại lá có trên đảo để gói hàng hóa thay túi nylon.

Nhằm thúc đẩy các nhà bán lẻ sử dụng túi thân thiện với môi trường, lan tỏa lối sống xanh bền vững, dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại Việt Nam” đã được triển khai. Đến nay, 16 nhà bán lẻ đã đăng ký tham gia liên minh. Trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp đã tích cực triển khai giảm thiểu túi nilon khó phân hủy thay thế 100% bằng túi tự hủy sinh học trong hoạt động kinh doanh như: Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Aeon; hệ thống siêu thị MM Mega Market…

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới.

Hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường

 Đoàn viên Thanh niên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Huyện đoàn Giao Thủy, Báo Nam Định, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy dọn rác làm sạch bãi biển tại xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa cũng ngày càng gia tăng, nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời, những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon" và tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã mạnh mẽ cam kết về việc chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, rác thải nhựa là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển như du lịch, nghỉ dưỡng, nghề cá và giao thông, môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi cá biển, sức khỏe và sự an toàn của con người.

Tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Theo Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

Đến năm 2025, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đặt ra lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilon) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm,... Việt Nam cũng sẽ tập trung truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.

Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy chuyển sang sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường; đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xả rác thải nhựa, ngư cụ, sản phẩm nhựa thải bỏ ra môi trường biển và đại dương đối với các doanh nghiệp, cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch biển.

Các địa phương hình thành mạng lưới tuyên truyền viên hướng dẫn phân loại, thu gom, tái chế, xử lý, quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tin, báo chí và đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cần được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải nhựa. Các tổ chức, cá nhân cần được khen thưởng, biểu dương kịp thời khi có các hoạt động, giải pháp, sáng kiến hay về quản lý chất thải nhựa.
Nhiệm vụ và giải pháp khác là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cụ thể, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả nước mô hình trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi nilon hoặc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi nilon khó phân hủy; thành lập và mở rộng các mô hình tổ chức tái chế chất thải, các phong trào chống rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ trên địa bàn cả nước, đặc biệt là vùng ven biển xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thu gom chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên lưu vực sông, vùng ven biển, các bãi tắm, các khu du lịch, các âu thuyền, chợ cá ven biển); tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom, xử lý chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch biển, vận tải biển, nuôi trồng, khai thác thủy sản; giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản; tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, tiêu thụ túi nilon khó phân hủy trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương; đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa; nghiên cứu, thiết kế, sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa tối ưu nhằm giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa/sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải nhựa trên sông, suối, kênh, rạch, vùng biển. Các phòng thí nghiệm trọng điểm nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và chứng nhận chất lượng các sản phẩm bao bì thay thế sản phẩm nhựa, sản phẩm túi nilon phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường đáp ứng quy định của Việt Nam.

Các địa phương, đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải nhựa; thúc đẩy phát triển thị trường tái chế, xử lý chất thải; xây dựng, cập nhật, tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất nhựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nhựa, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong đó có chất thải nhựa...

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản