(Mặt trận) -Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, nhu cầu ngày càng cao của người dân trong tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu dẫn đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ngày càng nhiều. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Điện Biên đã tăng cường nhiều giải pháp thu gom, xử lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, coi quản lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường.
|
Công nhân môi trường thu gom rác tại thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà. |
Hơn 389 tấn là tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên mỗi ngày, trong đó, khu vực đô thị phát sinh trên 85 tấn, còn khu vực nông thôn phát sinh khoảng 304 tấn. Nguồn phát sinh rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu dân cư; các cơ quan, trường học; khu du lịch, khu thương mại, khách sạn, cơ sở lưu trú; cơ sở y tế; khu vực công cộng như chợ, công viên, bến xe…
Bà Đặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT, cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động, trong đó 4 cơ sở xử lý rác thải bằng hình thức đốt kết hợp bãi chôn lấp tại huyện Điện Biên, thị xã Mường Lay, huyện Mường Chà và huyện Mường Ảng; 5 cơ sở xử lý theo hình thức bãi chôn lấp, trong đó có 3 cơ sở chôn lấp rác hợp vệ sinh đáp ứng các quy định (thị trấn Điện Biên Đông, thị trấn Tuần Giáo, huyện Mường Nhé). Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH được UBND cấp huyện thực hiện hoặc hợp đồng với các tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, xử lý CTRSH.
Tại huyện Mường Chà, theo thống kê hiện nay, mỗi ngày khu vực đô thị phát sinh hơn 3 tấn CTRSH, ở nông thôn phát sinh khoảng 28,65 tấn. Để nâng cao tỷ lệ thu gom CTRSH, ngoài hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng tỉnh Điện Biên thu gom CTRSH tại địa bàn thị trấn, từ năm 2022, huyện đã hợp đồng với Công ty thực hiện thu gom thêm tại 4 xã: Mường Mươn, Na Sang, Ma Thì Hồ, Sa Lông. Tại 4 xã trên được bố trí 43 điểm tập kết bằng xe đẩy tay, trung bình 3 ngày thực hiện thu gom 1 lần; sau đó chất thải rắn được chuyển lên xe cuốn ép rác và vận chuyển đến bãi xử lý rác thải và được phân loại, xử lý tại lò đốt cách trung tâm huyện khoảng 5km.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý chất thải rắn với hơn 100 tấn CTRSH được thu gom, xử lý mỗi ngày, song thực thế, tỉnh Điện Biên vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác này. Nguyên nhân là do việc thu hút đầu tư đối với hoạt động xử lý chất thải rắn còn nhiều vướng mắc; việc thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được, một phần do thiếu kinh phí, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về thu gom, phân loại chất thải rắn đúng nơi quy định còn hạn chế. Đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, do địa bàn thu gom rộng, trong khi các khu dân cư thưa thớt không tập trung, địa hình chủ yếu là đồi núi. Cũng bởi vậy nên tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn trên toàn tỉnh mới đạt 23%. Ðiều này có nghĩa còn khoảng 77% lượng rác thải tại khu vực nông thôn chưa được thu gom, xử lý. Đối với lượng rác thải này một phần người dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp, còn lại hầu hết được xả thải trực tiếp ra môi trường.
Đơn cử tại huyện Điện Biên Đông, mỗi năm tổng khối lượng CTRSH tại khu vực nông thôn phát sinh khoảng hơn 24.465 tấn, nhưng tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực này là 0%. Hay tại huyện Tuần Giáo, trong tổng khối lượng hơn 24.238 tấn CTRSH phát sinh tại khu vực nông thôn mỗi năm, mới chỉ có khoảng gần 3.100 tấn được thu gom, xử lý. Đa số lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại các bể đốt rác quy mô nhỏ đặt tại trung tâm các thôn bản, người dân ở gần tự quản lý, sử dụng và đổ thải lộ thiên tại các bãi rác tự phát gần khu dân cư, khu đất trống gần nhà.
Việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi cũng là một trong những bài toán khó trong công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Ước tính mỗi năm toàn tỉnh phát sinh khoảng 2,6 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi trang trại và gia trại thì việc xử lý chất thải chăn nuôi phần lớn áp dụng theo phương pháp sinh học (biogas, ủ…). Tuy nhiên, ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gắn với sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi chủ yếu được chuyển từ chuồng nuôi ra ruộng, vườn cây, số lượng được xử lý rất ít.
Trước thực tế trên, để công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, ngoài đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn, các cấp, ngành liên quan cần quan tâm, hỗ trợ về nguồn lực giúp các xã trong việc thu gom, xử lý rác thải. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành cần có sự điều chỉnh linh hoạt, lồng ghép các chương trình một cách phù hợp, ưu tiên kinh phí, chính sách hỗ trợ để xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ðồng thời tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Ưu tiên bố trí quỹ đất thỏa đáng và đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động, dịch vụ về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý chất thải.
Thu Hằng