Tin mới

Điện Biên: Bảo vệ môi trường từ xử lý rác thải

(Mặt trận) -Để giải quyết thách thức về rác thải rắn sinh hoạt ngày một lớn về khối lượng và phức tạp về thành phần, tỉnh Điện Biên đã tăng cường nhiều giải pháp thu gom, xử lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, coi quản lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, có hành động thiết thực BVMT.

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai nhiều hoạt động hướng về cơ sở

Đak Đoa phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới

MTTQ các cấp huyện Nga Sơn huy động sức dân để chăm lo cho dân

 Người dân xã Mường Lói, huyện Điện Biên thu gom, xử lý rác thải bằng lò đốt rác.

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh nhanh, phát sinh nhiều vấn đề môi trường, trong đó lượng rác thải ngày càng lớn. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng kịp các yêu cầu của phát triển đô thị theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 264 tấn/ngày; trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 109 tấn/ngày (TP. Điện Biên Phủ chiếm 74%, khoảng 52,6 tấn/ngày), chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 155 tấn/ngày.

Nguồn phát sinh rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu dân cư; các cơ quan, trường học; khu du lịch, khu thương mại, khách sạn, cơ sở lưu trú; cơ sở y tế; khu vực công cộng như chợ, công viên, bến xe… Chất thải rắn trong sinh hoạt tăng lên qua từng năm tạo ra những áp lực đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành. Nếu không được thu gom, xử lý kịp thời, rác sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Có những thời điểm, tại một số địa phương, nhất là tại TP. Điện Biên Phủ, đã xảy ra tình trạng chất thải bị ùn ứ, quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Để tăng cường công tác BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý, hạn chế sử dụng lò đốt rác cỡ nhỏ trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn phân loại, thu gom xử lý chất thải rắn hộ gia đình, tiêu hủy vỏ lọ vắc xin, hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các trạm biến áp trên địa bàn tỉnh và xử lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, hàng năm tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các cơ sở có phát sinh nguồn thải trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện các quy định về BVMT.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 9 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động; trong đó,  4 cơ sở xử lý theo công nghệ lò đốt rác bằng khí tự nhiên và 5 cơ sở xử lý theo hình thức bãi chôn lấp (có 3/5 bãi chôn lấp hợp vệ sinh được thiết kế cơ bản đáp ứng các quy định theo Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNBXD ngày 18/1/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng. Các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu phát sinh. Ở khu vực đô thị, Công ty dịch vụ môi trường đã đầu tư trang thiết bị, phương tiện đảm bảo để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt mang đi xử lý theo quy định. Còn ở khu vực nông thôn, các hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc tổ vệ sinh môi trường cũng đang từng bước đầu tư trang thiết bị phục vụ việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực đô thị đạt 90% (xử lý gần 93 tấn/ngày) và tỷ lệ chất thải sinh hoạt đông thôn được thu gom đạt khoảng 13%; toàn tỉnh có 69/115 xã đạt tiêu chí về môi trường. Hiện nay, cơ quan chuyên môn đang hướng dẫn kiểm tra và xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành đối với Dự án Đầu tư xây dựng công trình bãi rác vệ sinh môi trường khu tái định cư Đồi Cao, thị xã Mường Lay và dự án Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với dự án cải tạo, xử lý ô nhiễm bãi chôn lấp rác thải Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ.

Khó khăn trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay là địa bàn rộng, dân cư phân tán; cơ sở hạ tầng BVMT tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí đầu tư hạn chế, thiếu phương tiện chuyên dụng, thiếu công nghệ hiện đại trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt nên việc xử lý chưa đạt hiệu quả cao. Việc thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được do hạn chế về nguồn lực; ý thức của cộng đồng dân cư chưa cao, chưa nhận thức được lợi ích của công tác thu gom, phân loại rác thải. Công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Trong khi đó hiện nay các chính sách hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực xử lý chất thải chưa đồng bộ; thiếu nguồn vốn đầu tư cho các công trình xử lý rác thải; mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Để công tác BVMT nói chung và công tác quản lý chất thải sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, trước hết cần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT toàn dân; truyền thông, phổ biến thông tin về môi trường, công khai các địa chỉ gây ô nhiễm và kết quả xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BVMT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động, dịch vụ về bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, lý chất thải.

Thành Đạt

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản