Thay đổi mạnh mẽ tư duy quản lý nhà nước về môi trường
Trước hết, thông qua việc thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Việc bảo vệ môi trường (BVMT) không chỉ là sự phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên. Do vậy, Luật BVMT năm 2020 tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái, cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, Luật dành riêng Chương VIII để quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm để người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, để tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia, Luật cũng đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT. Trong đó có quy định các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên (đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn); bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho BVMT.
Thứ hai, Luật đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định hiện hành phân cấp các bộ, ngành đều có thể thẩm định báo cáo tác động môi trường); đồng thời, quy định các bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả. Quy định này bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành.
Thứ ba, lần đầu tiên quy định chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ. Quy định này điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ (gọi chung là doanh nghiệp) do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán. Mục đích của hoạt động này là nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn. Đây là kết quả của việc tiếp thu kinh nghiệm thành công của quốc tế về kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và BVMT. Ngoài ra, Luật bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan.
Quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường
Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT, tiêu biểu nhất là thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác BVMT, do đó, chưa phát huy được vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư. Vì vậy, Luật BVMT lần này đã bổ sung “cộng đồng dân cư” ngay vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành. Đây cũng là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT.
Lần đầu tiên nội dung trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư được quy định ngay từ khi lập báo cáo tác động môi trường, cũng như quy định rõ trách nhiệm thực hiện tham vấn, đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn của cơ quan thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo tác động môi trường thông qua nhiều hình thức. Ngoài ra, Luật cũng quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.
Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy vai trò trong công tác BVMT, quy định tại Điều 159 đã xác lập, thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong BVMT và các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia BVMT. Đặc biệt, đã bổ sung quy định “Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường”. Người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, qua các ứng dụng trên điện thoại.
Để ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động BVMT, Luật cũng đã bổ sung chính sách về “Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường” (khoản 6 Điều 5).
Quy định phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích tái chế, tái sử dụng rác thải
Trước thực trạng tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Điều 136 của Luật đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên “khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường,…”, thay vì việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Theo đó, quy định rác thải sinh hoạt phải được phân chia làm ba loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác (Điều 75). Mô hình và cơ chế quản lý này đã được chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia phát triển. Đặc biệt, việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác cũng được các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc… áp dụng khá thành công.
Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn sau khi phân loại được khuyến khích tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi phù hợp với điều kiện nông thôn tại Việt Nam (Điều 61). Ngoài ra, lần đầu tiên Luật quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế hoặc khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hay cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu (Điều 54).
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường
Luật BVMT năm 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm tới hơn 40% TTHC, giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 – 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các TTHC vào một giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Cụ thể, trước đó, việc thực hiện song song thủ tục cấp giấy phép, giấy xác nhận về môi trường (do cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về BVMT thực hiện) với cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (do cơ quan QLNN về công trình thủy lợi thực hiện) đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể là: một đối tượng là nước thải của doanh nghiệp xả thải vào công trình thủy lợi tiếp tục phải thực hiện hai TTHC có nhiều nội dung tương đồng; không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước; phân tán chức năng QLNN đối với đối tượng là nước thải xả vào công trình thủy lợi; việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật vào công trình thủy lợi do các cơ quan QLNN về thủy lợi không được kịp thời, thường xuyên, hiệu quả (do pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi không có chế tài xử lý hành vi này).
Để khắc phục vấn đề này, Luật BVMT năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm đáng kể TTHC cho doanh nghiệp. Cùng với đó, bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn tác động môi trường cho đến khi cấp GPMT đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường phối hợp của các cơ quan. Đối với giấy phép môi trường, đây là một sự cải cách hành chính chưa từng có khi 7 nội dung trước đây được đưa vào 1 giấy phép môi trường giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm và giảm thiểu đáng kể được các quy trình, thủ tục.
Đối với quy trình đánh giá tác động môi trường, Luật đã đưa ra những quy định đánh giá một cách thận trọng, cân nhắc dựa trên nhiều tiêu chí về môi trường. Với những điểm đột phá này, các thủ tục, hồ sơ sẽ giảm khoảng 50% thời gian giải quyết. Điều này mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, chất lượng môi trường chắc chắn sẽ được kiểm soát hơn nhiều so với trước đây.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
Một là, tổ chức quán triệt và tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 rộng rãi đến Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về BVMT, theo đó:
Ở cấp trung ương, với vai trò là cơ quan QLNN về môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT với nội dung, hình thức phù hợp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân để hiểu rõ và thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tập huấn nội dung quy định của Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Ở các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).
Hai là, cần tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BVMT để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của luật chuyên ngành và các văn bản của HĐND, UBND các cấp với các quy định của Luật BVMT này. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành có liên quan đến Luật BVMT lĩnh vực thuộc thẩm quyền QLNN được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường bảo đảm phù hợp với quy định của Luật BVMT. Các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật BVMT thuộc thẩm quyền QLNN được phân công.
Ba là, các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương chủ động triển khai thực hiện các nội dung có liên quan được quy định trong Luật BVMT năm 2020. Theo đó, UBND cấp tỉnh cần sớm xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện các quy định của Luật này trên địa bàn. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành, cơ quan liên quan và chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong phạm vi quản lý của sở, ngành và địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.
Đặc biệt, cần cụ thể hóa các quy định về tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát công tác BVMT. Chính quyền các cấp cần phối hợp và hỗ trợ về mọi mặt để phát huy tối đa vai trò công tác xã hội, đa dạng hóa các hoạt động BVMT, có cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế thực hiện dịch vụ BVMT.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, bảo đảm nghiêm túc và hiệu quả Luật BVMT năm 2020. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan QLNN về BVMT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chủ động ngăn ngừa những vi phạm chính sách, pháp luật về BVMT. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật về BVMT. Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm đưa công tác QLNN về tài nguyên và môi trường đi vào nề nếp, góp phần lập lại kỷ cương; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là hợp tác quốc tế về pháp luật. Cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế thích hợp để đẩy mạnh hơn nữa việc “luật hóa” các cam kết quốc tế về BVMT mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và xác định rõ hiệu lực pháp lý của cam kết quốc tế đó. Đồng thời, xây dựng cơ chế bảo đảm thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế đó tại Việt Nam. Mở rộng hợp tác quốc tế về môi trường trên tinh thần tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia. Trong đó, đặc biệt, cần quan tâm mở rộng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Doãn Hùng