Tin mới

Hà Giang: Lan tỏa phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

(Mặt trận) -Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở tỉnh Hà Giang luôn chung tay chăm lo cho người nghèo bằng những hành động thiết thực, cụ thể.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn chung tay chăm lo cho người nghèo bằng những hành động thiết thực, cụ thể. 

 Phát huy tinh thần thi đua yêu nước với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, vì Hà Giang phát triển”, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai hiệu quả với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo. Các ngành, địa phương đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tham gia vào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Nhiều huyện đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình của địa phương, tạo đà cho người dân phát triển sản xuất; bố trí hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 375 hội nghị tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm cho 26.881 người. Ước trong 2 năm 2021 và 2022 giải quyết việc làm cho 51.676 lao động, trong đó làm việc tại địa phương 13.854 người; đi làm việc ngoài tỉnh 37.576 người và xuất khẩu lao động 246 người.

Trong lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe, để hỗ trợ người dân tham gia Bảo hiểm y tê (BHYT), HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 49/2020/NQ-HĐND hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên. Kết quả, năm 2021 - 2022, bình quân hàng năm duy trì và cấp mới thẻ BHYT cho 759.011 đối tượng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 96,36%.

Đối với lĩnh vực Giáo dục, tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP cho trên 80.600 lượt học sinh. Trợ cấp tiền ăn, tiền trọ cho 57.363 học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và hỗ trợ gạo cho 57.363 học sinh. Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, năm 2021 - 2022, toàn tỉnh vận động và hỗ trợ các hộ xây dựng 3.112 nhà tắm, 3.460 nhà vệ sinh; cứng hóa, di dời 1.428 chuồng trại; xây dựng 1.654 bể trữ nước sinh hoạt. Thực hiện chính sách tín dụng hộ nghèo, năm 2021- 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng cho hộ nghèo và hộ chính sách. Đã giải quyết cho 24.262 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 1.174,7 tỷ đồng...

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hà Giang đã triển khai nhiều chương trình, cách làm sáng tạo để cụ thể hóa phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đó, điển hình là Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở và Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân. Là chương trình lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở được triển khai từ năm 2019 với sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân ở trong và ngoài tỉnh. Sau 3 năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 6.700 ngôi nhà với tổng kinh phí huy động được trên 400 tỷ đồng. Chương trình đã giúp cho hàng nghìn gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có ngôi nhà kiên cố để ở, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

Từ năm 2021, tỉnh triển khai chương trình cải tạo vườn tạp nhằm giúp người dân tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững. Qua 2 năm triển khai thực hiện, chương trình đã giúp người dân thay đổi nhận thức, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi giữa các hộ dân, thôn, xã. Những mảnh vườn tạp bỏ hoang hoặc canh tác kém hiệu quả trước đây nay được phủ bởi màu xanh của hoa màu, cây trái, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 5.400 hộ nghèo và cận nghèo thực hiện cải tạo vườn, trong đó 2.325 hộ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí trên 68,5 tỷ đồng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí trên 5 tỷ đồng và góp trên 19.300 ngày công giúp các hộ nghèo và cận nghèo thực hiện cải tạo vườn. Qua 2 năm thực hiện chương trình, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay đã đạt 35,76% mục tiêu của chương trình. Những “quả ngọt” đầu tiên thu hái được trên các mảnh vườn tạp đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo.

Có thể nói, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thu hút sự quan tâm, tạo được sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, từ đó khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

NGUYỄN PHƯƠNG

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản