Tin mới

Hà Tĩnh: Hỗ trợ đa chiều để thoát nghèo bền vững

(Mặt trận) - Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, xem đây là yếu tố cốt lõi để thực hiện an sinh xã hội bền vững, nhiều chương trình, dự án đã được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, tạo tác động đa chiều để người nghèo từng bước vươn lên. Trọng tâm là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang được thực hiện hiệu quả với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, MTTQ các cấp, tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng. Trong đó, tập trung vào các nội dung: trang bị kiến thức, hỗ trợ sinh kế, cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ làm nhà, xây dựng công trình sinh hoạt thiết yếu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở vùng khó khăn.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Bà Trần Thị Ninh (SN 1963, ở thôn Trung Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà) được hỗ trợ kinh phí làm nhà ở, hỗ trợ sinh kế nên cuộc sống đỡ vất vả 

Cùng lãnh đạo xã Thạch Văn đi thăm các gia đình được hỗ trợ giảm nghèo tại vùng bãi ngang của huyện Thạch Hà, chúng tôi có dịp gặp gỡ, chia sẻ cùng bà Trần Thị Ninh (SN 1963, thôn Trung Văn) về niềm hạnh phúc của người phụ nữ đơn thân đã bước qua những năm tháng khó khăn, buồn tủi nhờ tiếp cận các chương trình hỗ trợ giảm nghèo đa chiều. Dấu mốc đáng nhớ là năm 2021 bà được hỗ trợ 29 triệu đồng để mua bò giống, thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản, từng bước ổn định sinh kế. Năm 2022, bà tiếp tục được tiếp cận chính sách hỗ trợ làm nhà ở với số tiền 70 triệu đồng, cộng với sự giúp đỡ của hội LHPN, bà con làng xóm, bà đã có ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp.

“Ngày tôi được Nhà nước hỗ trợ khởi công ngôi nhà mới, biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, bà con trong xóm đã nhanh chóng huy động hỗ trợ thêm 30 triệu đồng và tôi đã có được ngôi nhà mơ ước này. Được sống trong căn nhà mới, lại phát triển được sinh kế để đảm bảo cuộc sống, tôi thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên; sức khỏe cũng tốt lên nhiều” - bà Ninh chia sẻ.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạch Hà trao gà và thức ăn hỗ trợ 12 mô hình sinh kế trên địa bàn huyện 

Theo bà Trần Thị Hoa - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Văn, chương trình giảm nghèo bền vững đã trở thành bà đỡ quan trọng của những hộ nghèo, cận nghèo ở địa bàn thuần nông, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Cùng sự lồng ghép với các chương trình, dự án và nguồn lực xã hội hóa, từ năm 2020-2023, có hơn 305 hộ được đầu tư mô hình sinh kế, 15 hộ được hỗ trợ nhà ở và hàng trăm lượt hộ được hỗ trợ về thông tin, tập huấn trang bị kiến thức, đào tạo nghề… Đến nay, toàn xã chỉ còn 86 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ hơn 4,23%), trong đó có 50 hộ ốm đau, già cả không có khả năng lao động; tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 4,01%.

Quá trình thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đã được kết nối với các chương trình mục tiêu quốc gia khác như: xây dựng NTM; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và phong trào Vì người nghèo của MTTQ các cấp, từ đó giúp các địa phương huy động nguồn lực cộng hưởng từ nhiều chương trình, dự án, phong trào, cuộc vận động, tạo trợ lực lớn cho người dân trên hành trình thoát nghèo bền vững.

(1) Bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Mỹ Hà, xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) triển khai mô hình nuôi ong lấy mật từ nguồn hỗ trợ của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. (2) Gia đình bà Hoàng Thị Thu ở thôn Hưng Thành, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) được hỗ trợ 8 triệu đồng để mua bò sinh sản từ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. 

Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh triển khai 61 mô hình giảm nghèo đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (mỗi mô hình có 10-15 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia) với tổng kinh phí hơn 43,7 tỷ đồng; thực hiện 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 19,4 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm, MTTQ tỉnh trích từ Quỹ “Vì người nghèo” triển khai 100 mô hình về con giống sinh sản với tổng số tiền 1 tỷ đồng; các tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ hàng trăm mô hình sinh kế nhỏ cho hội viên, đoàn viên.

Nhận được sự hỗ trợ đồng bộ từ đồng vốn, sinh kế đến tập huấn, trang bị kỹ năng, nhiều hộ nghèo, cận nghèo khơi dậy khát vọng bứt phá, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình mà còn trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Chị Trần Thị Lụa (người mặc áo màu cam) ở thôn Hồ Sen, xã Sơn Tây (Hương Sơn), từ một hộ cận nghèo vươn lên làm chủ mô hình có sản phẩm OCOP 3 sao. 

Câu chuyện về chị Trần Thị Lụa ở thôn Hồ Sen, xã Sơn Tây (Hương Sơn), từ hộ cận nghèo vươn lên làm chủ mô hình có sản phẩm OCOP 3 sao là một hành trình như thế. “Tôi từ Huế về làm dâu Hà Tĩnh từ năm 2017. Những năm đầu, chồng làm công nhân, tôi lo chăm con nhỏ nên gia đình hết sức khó khăn. Năm 2019, được sự vận động, hỗ trợ của Hội LHPN xã Sơn Tây, tôi tiếp cận nguồn vốn vay hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội và vay thêm Quỹ Phát triển phụ nữ để phát triển nghề chiết xuất tinh dầu tràm, sả truyền thống. Từ quy mô nhỏ, sau khi tham gia các lớp tập huấn về kiến thức khởi nghiệp và được hỗ trợ, khích lệ, tôi tự tin xây dựng sản phẩm OCOP. Năm 2021, sản phẩm tinh dầu tràm, sả mang thương hiệu Bảo Tuân đạt OCOP 3 sao được nhận giải khuyến khích trong Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của Hội LHPN huyện Hương Sơn. Hiện nay, cơ sở đang duy trì sản xuất mỗi năm 450 lít tinh dầu các loại, cung cấp cho thị trường trong cả nước, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng” - chị Lụa chia sẻ.

Giảm nghèo bền vững ở Hà Tĩnh thời gian qua cũng gắn với phát triển giáo dục nghề nghiệp, định hướng, hỗ trợ việc làm cho người lao động. Với việc tập trung phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng nhiều giải pháp về phân luồng, hướng nghiệp, quy mô đào tạo nghề được mở rộng, việc kết nối, liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm cho người học nghề ngày càng rõ nét.

Lớp học đã giúp các thành viên của tổ hợp tác nâng cao tay nghề, kỹ năng, từ đó hoạt động hiệu quả hơn. “Hiện nay, với các đơn hàng khá đều đặn, thành viên trong tổ hợp tác có mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, chị em cũng chăm lo tốt hơn cho cuộc sống gia đình và phục vụ làng xóm các bữa tiệc mỗi khi có dịp lễ, tết”.

Đặc biệt, ngày 15/7/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 70/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm với các điểm ưu đãi như: hỗ trợ từ 50-70% học phí cho học sinh tốt nghiệp THPT tham gia chương trình đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho các đối tượng không thuộc diện hưởng chính sách của Nhà nước; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động miễn phí. Qua đó đã có hơn 15.000 lao động, học sinh, sinh viên được giới thiệu việc làm và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp; gần 5.000 học sinh tốt nghiệp THCS, học trung cấp nghề được hưởng chính sách miễn 100% học phí; hằng năm có hàng trăm học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký tham gia các ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp mà tỉnh có nhu cầu.

Những chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động mở rộng các lớp đào tạo đa ngành, đa nghề, giúp người lao động trên địa bàn được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, từ đó có việc làm ổn định, tạo ra thu nhập cho gia đình. Chị Lê Thị Thành Huế ở thôn Trại Rắn, xã Hòa Lạc (Đức Thọ) cùng với 8 chị em trong Tổ hợp tác Dịch vụ nấu ăn Huế Mạnh tham gia lớp học nghề kỹ thuật chế biến món ăn miễn phí do Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đức Thọ tổ chức vào cuối năm 2022.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Thạch Hà phối hợp với Ủy ban MTTQ xã Tân Lâm Hương tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ bà Lê Thị Xuân (thôn Văn Minh, xã Tân Lâm Hương) 
Bạn vận động cứu trợ huyện Thạch Hà trao biểu trưng hỗ trợ 70 triệu đồng cho hộ bà Lê Thị Xuân 

Với nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 3,79% (khu vực Bắc Trung Bộ là 4,99%), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,04% (khu vực Bắc Trung Bộ là 5,05%). Thời gian tới, bên cạnh phát huy những kết quả đạt được, cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thành công đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM vào năm 2025 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản