Tin mới

Hải Dương: Kết nối người dân tham gia bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã triển khai xây dựng các mô hình tự quản bảo vệ môi trường (BVMT). Ghi nhận tại nhiều địa phương, các mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức, kết nối người dân cùng chung tay BVMT.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Mô hình ngôi nhà xanh thu gom phế liệu tái chế tại xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thành Long.

Cứ đều đặn 1 tuần hai lần, người dân thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện lại cùng tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên các tuyến đường của thôn. Nhờ đó đường làng ngõ xóm ở đây luôn sạch sẽ, phong quang. Bà Ngô Thị Miền - người dân thôn Triều Dương chia sẻ, từ khi có mô hình tự quản, người dân trong thôn ai cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường sống. Ngoài việc quét dọn giữ gìn vệ sinh trong nhà, cổng ngõ, không vứt rác thải bữa bãi, các cư dân trong thôn còn tham gia tổng vệ sinh đường làng, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải để giữ cho cảnh quan thôn xóm luôn sạch đẹp.

Như nhiều địa phương khác của tỉnh Hải Dương, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Chi Lăng Nam đã chú trọng đến tiêu chí môi trường và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để thực hiện nhiệm vụ này, MTTQ xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể huy động kinh phí thành lập tổ tự quản BVMT. Lực lượng nòng cốt tham gia mô hình ở mỗi thôn có lãnh đạo, trưởng các chi hội, đoàn thể, thành viên tổ thu gom rác thải. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc BVMT bằng những việc làm cụ thể như phân loại rác tại nguồn; không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Hàng tuần, các thôn, khu dân cư phát động nhân dân tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng, chăm sóc, bảo vệ hoa và cây xanh nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Ông Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam cho rằng, qua thời gian thực hiện, mô hình tự quản đã đem lại những thay đổi tích cực cho môi trường địa phương, làm tiền đề quan trọng để hoàn thiện và nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để duy trì hoạt động của tổ tự quản việc đóng góp được địa phương công khai. Bên cạnh việc hỗ trợ về vật tư, quần áo bảo hộ, trang thiết bị, xã cũng thường xuyên cấp kinh phí để sửa chữa tu bổ xe thu gom rác thải, cung cấp các chế phẩm cho các khu chôn lấp rác thải.

Còn tại xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, từ nhiều năm nay mô hình ngôi nhà xanh thu gom phế liệu tái chế do Hội phụ nữ xã xây dựng đã góp phần thiết thực giảm thiểu rác thải nhựa, BVMT. Tại các thôn, rác thải nhựa sẽ được phân loại, giữ lại rác tái chế trong “Ngôi nhà xanh” để mang đi bán, từ đó tạo ra nguồn kinh phí để tổ chức hoạt động tập thể hoặc an sinh xã hội tại địa phương.

Ông Vũ Mạnh Trình - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tràng, xã Cẩm Đông cho biết, qua thời gian thực hiện, mô hình ngôi nhà xanh đã dần làm thay đổi thói quen và nâng cao ý thức BVMT trong cán bộ, hội viên và nhân dân. Tại các hộ gia đình rác thải nhựa được phân loại và thu gom nên không còn tình trạng vứt rác thải bữa bãi như trước đây. Toàn bộ nguồn quỹ thu được từ bán rác tái chế sẽ được dùng cho các hoạt động an sinh xã hội như tặng quà, đồ dùng học tập, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn…

Sau hơn 20 năm triển khai, đến nay, tại 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có mô hình khu dân cư tự quản BVMT. Ông Nguyễn Đức Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương khẳng định, qua thực tiễn các mô hình tự quản đã đạt được mục tiêu quan trọng là phát huy được vai trò, trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận thôn, khu dân cư trong phối hợp với các đoàn thể tại địa phương để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tích cực thực hiện BVMT với phương châm “vì lợi ích của dân, thực hiện bằng sức dân và do dân tự quản”. Không chỉ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền ở địa phương đối với công tác BVMT, các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư đã gắn kết, thúc đẩy người dân tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương.

Từ những kết quả đạt được, thời gian tới Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương sẽ chỉ đạo Mặt trận các cấp tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản BVMT. Thông qua việc phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân để hướng tới xây dựng các khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Vũ Mạnh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản