(Mặt trận) -Long An tổ chức triển khai, tăng cường thực hiện nhiều chương trình, hành động, việc làm thiết thực,... kêu gọi cộng đồng chung tay hạn chế rác thải nhựa (RTN), nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon, góp phần xây dựng, bảo vệ môi trường (BVMT).
|
Nhiều mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần phát huy hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức người dân, kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống rác thải nhựa |
Vận động người dân thực hiện các mô hình hạn chế rác thải nhựa
Chính vì những thuận tiện mà sản phẩm nhựa sử dụng một lần được nhiều người lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ có công dụng trong thời gian ngắn, thậm chí một vài phút nhưng phải mất cả chục năm, thậm chí cả trăm năm để phân hủy. Nếu trung bình mỗi ngày, mỗi gia đình sử dụng khoảng 5-10 túi nylon thì cả nước sẽ có hàng triệu túi nylon được thải ra và phải mất ít nhất hàng chục năm hoặc trăm năm mới có thể phân hủy.
RTN đang là tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường đại dương, hiểm họa cho môi trường toàn cầu. Khảo sát tại Việt Nam, trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng, đem thải bỏ hoàn toàn thì loại chất thải này ở nước ta xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Con số này là một gánh nặng cho môi trường. Bên cạnh đó, việc phân loại rác tại nguồn ở nước ta vẫn chưa được thực hiện nhiều, chỉ thí điểm tại một số địa phương (trong đó, Long An đang thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn tại phường 3, TP.Tân An). Người dân vẫn chưa thật sự quen với việc phân loại rác, trong khi đó, thói quen sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần ngày càng gia tăng, khiến cho việc xử lý RTN gặp khó khăn.
Nước ta thực hiện các chiến lược, chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của RTN cho các hoạt động phát triển KT-XH. Long An chung tay hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, triển khai nhiều giải pháp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng túi nylon bằng các việc làm cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Hằng (phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: "Trong sinh hoạt hàng ngày, sản phẩm nhựa, cụ thể là túi nylon thải ra khá lớn. Nhiều người thường sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần mà chưa biết được tác hại của nó đến môi trường sống. Hiện nay, thông qua các kênh thông tin đại chúng, địa phương, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, người dân dần hình thành thói quen hạn chế dùng RTN trong sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi cũng tham gia mô hình phân loại rác để thuận lợi hơn cho việc thu gom, xử lý, tận dụng chai nhựa bán ve chai để đóng góp quỹ hỗ trợ những chị em khó khăn do Hội Phụ nữ phường phát động".
Tương tự, chị Hồ Thị Thanh (ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) cho hay: Từ khi địa phương tuyên truyền, phát động, gia đình hạn chế dùng sản phẩm nhựa một lần cũng như túi nylon, thay vào đó thường dùng giỏ xách hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi còn phân loại rác tại nguồn, tham gia mô hình “Gây quỹ giúp nhau từ rác thải, nhất là RTN” bằng việc thu gom chai nhựa, đồ dùng nhựa một lần, túi nylon,... bán phế liệu và gây quỹ hỗ trợ các chị em khó khăn trong ấp. Hy vọng, việc làm nhỏ của gia đình sẽ góp phần cùng cộng đồng hạn chế RTN.
Giảm thiểu rác thải nhựa
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống RTN giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chung mà tỉnh đề ra tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc quản lý RTN, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu RTN ra môi trường. Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề về RTN mà trọng tâm là RTN đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thải RTN ra môi trường.
Tỉnh cũng đề ra mục tiêu cụ thể, trong đó, người dân được cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở trong công tác phòng, chống RTN; chú trọng tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về nguy cơ ô nhiễm RTN, thay đổi thói quen sử dụng, loại bỏ các sản phẩm nhựa, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn tài nguyên, môi trường. Các cơ quan báo chí, truyền thông viết về lĩnh vực môi trường và xã hội, cán bộ truyền thanh cấp huyện, cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về công tác phòng, chống RTN. 90% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp; học sinh, sinh viên các cấp học trên địa bàn được cung cấp kiến thức, thông tin thiết yếu về phòng, chống RTN.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Tân Thuấn, Long An rất quan tâm kêu gọi cộng đồng tham gia, chung tay phòng, chống RTN trên địa bàn. Sở phối hợp các đơn vị tổ chức các hoạt động, kêu gọi cộng đồng “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, ra quân vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh, mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước. Tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nylon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư tập trung,… nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.
|
Hạn chế rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường |
Sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp quản lý, xử lý chất thải và phế liệu, trong đó tập trung vào chất thải nhựa; xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị có hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải và phế liệu, quản lý chất thải nguy hại; từng bước xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm./.
Sở TN&MT kêu gọi, khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nylon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng. Khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác BVMT, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm BVMT”.
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn
|
Mỹ Thanh