Tin mới

Hàng Việt khẳng định chỗ đứng trong “bão” Covid-19

(Mặt trận) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng hàng tiêu dùng tăng cao. Trong bối cảnh đó, hàng Việt đã góp phần ổn định thị trường, giúp người dân yên tâm chống dịch, khằng định chỗ đứng trong “bão”Covid-19.

Hà Giang: Xuân đến sớm với người dân khu tái định cư sau lũ Quang Bình

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Bình Thuận phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới

Yên Bái: 100% hộ dân bị thiệt hại về nhà do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ

 Người tiêu dùng mua hàng Việt tại siêu thị Hapro Thành Công trong thời gian giãn cách xã hội 
Hàng Việt – lựa chọn tối ưu giữa tâm dịch
Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Trước bối cảnh đó các DN sản xuất, bán lẻ hàng Việt bên cạnh việc đảm bảo nguồn hàng cũng không tăng giá bán, qua đó góp phần ổn định thị trường.
Chị Nguyễn Minh Thu ở đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) và nhiều người tiêu dùng có chung phản ánh, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội các siêu thị luôn đảm bảo lượng hàng hóa, chủ yếu là hàng Việt chất lượng càng cao, giá cả phải chăng nên người dân yên tâm chống dịch.
Đồng tình với phản ánh này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông nêu rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc hàng Việt chiếm lòng tin người tiêu dùng chính là “ bệ đỡ”cho DN vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy hàng Việt chiếm tỷ lệ 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của DN nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60 - 96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.
Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam (DN quản lý, vận hành chuỗi siêu thị GO!/Big C) Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, Central Retail luôn đánh giá cao vai trò của hàng Việt Nam trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị của đơn vị. Hiện hệ thống siêu thị Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa, trong đó tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.
Đồng quan điểm này, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, nhiều năm qua Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để DN cung ứng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cho hệ thống Co.opmart.
Doanh số bán hàng tại các siêu thị cho thấy, hơn 80% hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt được người dân trên địa bàn lựa chọn đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.
Cần thiết xây dựng thương hiệu
Để hàng Việt vượt “bão” Covid-19, nâng sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, các chuyên gia kinh tế cho rằng DN cần chú trọng xây dựng thương hiệu Việt.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, người nước ngoài biết đến thương hiệu Việt và sự ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm Việt còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính là do chỉ có 20% DN đầu tư xây dựng thương hiệu và chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Võ Trí Thành nhìn nhận, DN muốn hồi phục sản xuất hậu Covid-19, bên cạnh việc đa dạng mẫu mẫu, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn đòi hỏi phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bởi đây là yếu tố then chốt giúp hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu.
“Trong bối cảnh hiện nay xây dựng thương hiệu không chỉ là tấm giấy thông hành giúp DN tăng kim ngạch xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia”- ông Võ Trí Thành nêu rõ.
Đồng tình với ý kiến này Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, để xây dựng thương hiệu, tăng thêm giá trị cho hàng hóa trên thị trường quốc tế đòi hỏi DN xây dựng chỉ dẫn địa lý, logo, nhãn mác. Yêu cầu trước mắt tập trung xây dựng thương hiệu vào các mặt hàng có thế mạnh, có số lượng đủ lớn, ổn định, chất lượng tốt đồng đều, giá bán cạnh tranh. “DN phải thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra hàng hóa có giá trị thương mại lớn, chú trọng liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh một cách bền vững và ổn định qua đó xây dựng thương hiệu”, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.
Để xây dựng được thương hiệu, DN có chung mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ hiệu quả hàng hóa trong nước. Hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, nhằm giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng nhập khẩu.
Trước ý kiến của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, trong Đề án Thương hiệu quốc gia từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030, Bộ Công Thương xây dựng hệ thống tiêu chí liên quan đến thương hiệu và quảng bá truyền thông hàng Việt thông qua các phương tiện truyền thông quốc tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh sự hỗ trợ xây dựng thương hiệu từ cơ quan quản lý, bản thân DN phải nỗ lực xây dựng, phát triển thương hiệu qua đó vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản