Tin mới

Hành động vì sự phát triển bền vững

(Mặt trận) -Bảo vệ môi trường (BVMT) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ các giải pháp; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tăng cường kiểm soát và BVMT.

Mặt trận Tổ quốc xã Văn Phú thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Thạnh - Lan tỏa sâu, rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua

MTTQ Việt Nam huyện Cần Giuộc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

 Người dân thị trấn Bến Sung (Như Thanh) làm vệ sinh, phát quang cỏ dại bên đường.

Những hoạt động thiết thực

Để thực hiện mục tiêu BVMT vì sự phát triển bền vững cùng với công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền các cấp; các tổ chức đoàn thể, ngành chức năng đã cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực như ban hành nghị quyết, xây dựng các mô hình BVMT, tổ chức các phong trào thi đua... Ví như Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp”. Từ nghị quyết này, xã Hoằng Đại đã duy trì thường xuyên công tác tổng dọn vệ sinh môi trường hàng tuần vào ngày chủ nhật để giữ gìn môi trường luôn sạch - đẹp.

Tại huyện Quảng Xương, Ủy ban MTTQ huyện xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” xây dựng khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Hội Nông dân huyện triển khai mô hình “Tổ tự quản BVMT”, “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” với hàng nghìn thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt trên các cánh đồng. Đoàn thanh niên địa phương triển khai mô hình “Dòng sông không rác thải”, “Đường tranh bích họa”, “Hành trình thứ hai của lốp xe, chai nhựa”. Các cấp hội LHPN trong tỉnh cũng đã triển khai xây dựng nhiều mô hình BVMT tạo sức lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu ứng tích cực, như: Hội LHPN huyện Thiệu Hóa với mô hình “Phụ nữ tham gia phân loại rác thải tại hộ gia đình”; huyện Hoằng Hóa xây dựng mô hình “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm phân bón vi sinh quy mô hộ gia đình”; mô hình “Nhà sạch - vườn sạch”...

Theo Chi cục trưởng Chi cục BVMT, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Thị Minh Huệ, từ đầu năm 2024 đến nay, chi cục phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức thẩm định cấp giấy phép môi trường đối với 69 dự án, cơ sở; thẩm định 95 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó có việc kiểm tra, xử lý tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước tại trang trại chăn nuôi Tâm Việt tại xã Bãi Trành (Như Xuân); tình trạng phát sinh mùi hôi của trang trại chăn nuôi Dabaco tại xã Thạch Tượng, Thạch Lâm (Thạch Thành); kiểm tra, xử lý tình trạng phát sinh mùi hôi từ trang trại nuôi lợn của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina trên địa bàn xã Tân Phúc (Lang Chánh)...

Nhận diện hạn chế

Ghi nhận từ thực tiễn cũng như qua đánh giá của ngành chức năng cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Một trong những hạn chế đã được Chi cục BVMT, Sở TN&MT nhận diện và chỉ rõ đó là tình trạng quá tải so với công suất thiết kế ban đầu ở một số bãi chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong khi tiến độ thực hiện đầu tư đưa dự án xử lý rác thải sinh hoạt chậm so với yêu cầu, nhất là các dự án trọng điểm như: Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam (Đông Sơn); Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); Nhà máy xử lý chất thải rắn xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn)... Điều này đã, đang gây khó khăn và ảnh hưởng đến công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều địa phương.

Cũng theo đánh giá từ Chi cục BVMT, Sở TN&MT, hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã bước đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên việc làm này mới chỉ dừng lại ở những loại rác thải có giá trị bán cho các cơ sở thu mua phế liệu như vỏ chai nhựa, bìa cát tông... số rác thải còn lại vẫn thực hiện theo kiểu “tất cả trong một”. Trong khi đó, biện pháp xử lý chất thải rắn hiện nay chủ yếu là chôn lấp chưa đúng quy trình kỹ thuật; tỷ lệ đốt, tái chế chất thải còn thấp, lò đốt có công suất nhỏ. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ và đầy đủ các khâu xử lý đối với các loại chất thải rắn đã phân loại như: Tái chế chất thải, đốt rác thu hồi năng lượng, ủ rác thải làm phân bón, xử lý chất thải trơ, chất thải nguy hại.

Ngoài ra, nhiều khu đô thị trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư công trình thu gom và xử lý nước thải theo yêu cầu; một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực miền núi có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, mùi hôi... ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Không ít nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng đã được nhận diện và chỉ rõ. Trong đó đáng chú ý vẫn là thực trạng một bộ phận cán bộ, người dân chưa chuyển ý thức thành hành động đối với việc BVMT. Thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường còn phổ biến ở nhiều nơi. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa quan tâm đúng mức cho công tác BVMT. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT ở cơ sở chưa được thường xuyên, liên tục còn mang tính thời điểm...

Thực tiễn này cũng đặt ra yêu cầu về sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm và hành động quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong công tác BVMT. Bởi BVMT là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững. BVMT cũng chính là bảo vệ sự sống của mỗi người dân và cộng đồng xã hội.

T.H

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản