Tin mới

Hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Giao Thủy

(Mặt trận) -Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó huy động được sự tích cực, chủ động của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong huyện tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn.

Trên 297.000 tỷ đồng ngân sách cho Chương trình xây dựng nông thôn mới

Cách làm sáng tạo từ việc huy động nguồn lực xóa nhà tạm tại Hiệp Hoà

Những ngôi nhà ấm tình đoàn kết ở Kon Thụp

 Nhân dân thị trấn Giao Thủy tham gia dọn vệ sinh môi trường đô thị nông thôn.

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, hiệu quả, Ban Dân vận Huyện ủy tham mưu Huyện uỷ quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 8/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Ban Dân vận Huyện ủy ban hành Hướng dẫn các tiêu chí cơ bản đánh giá điển hình “Dân vận khéo” để các đảng ủy trực thuộc làm cơ sở đánh giá, công nhận và khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua. Chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện tổ chức xây dựng kế hoạch, lựa chọn xây dựng mô hình, chỉ đạo các cơ sở tổ chức lựa chọn, triển khai xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" phù hợp đặc điểm tình hình và gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương; đưa nội dung xây dựng mô hình "Dân vận khéo" vào chương trình công tác năm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo".

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện. Đối với lĩnh vực kinh tế, nhiều mô hình, điển hình trong việc tổ chức vận động hội viên, đoàn viên, các thành phần kinh tế phát huy thế mạnh của địa phương, huy động các tiềm năng, nguồn lực và sự năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản; vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án... góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho nhân dân và đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM được các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhiều mô hình có chất lượng, hiệu quả, phát huy sức mạnh của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu như: “Xây dựng tuyến đường hoa”; “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp - kiểu mẫu do phụ nữ tự quản”; “Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp”; “Nhà sạch - vườn xanh - đường, sông không rác”; "Xử lý rác thải tại nguồn"; “Đội Thanh niên tình nguyện hỗ trợ công tác chuyển đổi số”; “Hàng cây thanh niên”; “Xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp”; “Phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình”; “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ xóm văn minh”; “Phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni-lông”; “Thùng rác hộ gia đình”; “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”; “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Vận động xây dựng giáo họ tiên tiến, các khu dân cư tiên tiến, văn hoá. Vận động nhân dân tham gia các câu lạc bộ thể dục, thể thao”; “Dạy tốt, học tốt”; “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”, “Ngày Chủ nhật xanh”; “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”… Sau hơn 3 năm xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhân dân trong huyện tự nguyện đóng góp gần 600 tỷ đồng; hiến trên 391ha đất 2 lúa, trên 320 nghìn m2 đất; góp trên 130 nghìn ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi nội đồng; trồng 227km đường cây xanh, 200km đường hoa... Đến nay, huyện Giao Thủy đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; toàn huyện đã có 18/20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14/20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025; 2 thị trấn là thị trấn Ngô Đồng (cũ) và thị trấn Quất Lâm đạt chuẩn đô thị văn minh. Đặc biệt, xã Giao Phong là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; cũng là 1 trong 9 xã đầu tiên của cả nước được chọn triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh.

Cùng với lĩnh vực kinh tế, mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị đã được các cấp, các ngành ở Giao Thủy tiếp tục xây dựng mới và duy trì, nhân rộng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hoá, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, văn minh đô thị; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025; tăng cường, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Đồng chí Vũ Thị Tuyết Minh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Giao Thủy cho biết: Năm 2024, huyện Giao Thủy xây dựng được 150 mô hình "Dân vận khéo". Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị luôn kết hợp phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nên phong trào được thực hiện bài bản, nền nếp, thực sự đi vào đời sống xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành phong trào thi đua của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Giao Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Phát huy những kết quả đạt được, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền. Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền. Chú trọng phát động, thực hiện xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên một số lĩnh vực, trọng tâm, trọng điểm trong công tác dân vận chính quyền, quan tâm đến những việc mới, việc khó như: dân vận trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, giải quyết các điểm phức tạp, bức xúc phát sinh ở cơ sở… Đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, xây dựng và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể; thực hiện hiệu quả Quyết định 217 và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.

T.A

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản