(Mặt trận) -Việc phân loại rác tại nguồn được triển khai hiệu quả trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen, tập quán để người dân dần hình thành nếp sinh hoạt hằng ngày trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
|
Người dân huyện Ngọc Lặc đã hình thành thói quen phân loại rác thải tại nhà. |
Từ nhiều năm nay, gia đình ông Lê Xuân Lực, thôn Bót, xã Minh Sơn đã thực hiện việc phân loại rác ngay tại nhà, các loại rác hữu cơ là thức ăn thừa, rau, củ để bón cho cây hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Một số loại rác có thể tái chế hoặc bán cho người thu mua phế liệu. Thói quen này được hình thành từ khi UBND xã Minh Sơn tổ chức phát động chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà. Tại đây, gia đình ông và những gia đình khác được tuyên truyền về ảnh hưởng của môi trường đối với sức khỏe con người. "Trước kia gia đình tôi hay để rác chung, lộn xộn, vừa mất vệ sinh lại chiếm khoảng không gian lớn. Nhiều năm nay, gia đình tôi bắt đầu phân loại rác theo hướng dẫn của cán bộ môi trường, nay cũng đã thành nếp rồi. Chúng tôi chỉ mất thêm một chút công sức nhưng bù lại, có thể tận dụng được nguồn rác để tái sử dụng", ông Lực cho biết.
Không chỉ phân loại rác thải ngay tại nhà, hằng tuần các gia đình trong thôn Bót đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh... Ông Phạm Văn Đạt, bí thư chi bộ thôn, cho biết: “Khi mới triển khai phân loại rác từ nguồn, người dân còn phản đối, tẩy chay do thói quen đã ăn sâu vào lối sống. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể của cán bộ môi trường, bà con nhân dân cũng dần làm theo. Đến nay, công tác thu gom, phân loại rác tại nhà của thôn Bót được triển khai khá hiệu quả”.
Xã Minh Sơn có 14 thôn với lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 6 tấn/ngày. Để nâng cao ý thức người dân, xã Minh Sơn yêu cầu các thôn thường xuyên hướng dẫn các gia đình hình thành thói quen phân loại rác ngay tại nhà; đồng thời nâng cao tuyên truyền bảo vệ môi trường qua các hình thức tư vấn, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn thể: hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân... để vận động người dân tự giác tham gia vệ sinh môi trường quanh khu vực sinh sống. Mỗi người một việc, thu gom, phân loại rác, quét dọn, trồng hoa... tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm. Thông qua các buổi tổng vệ sinh đã từng bước nâng cao trách nhiệm người dân trong việc giữ gìn môi trường. Đến nay, không gian làng quê thoáng đãng, sạch đẹp hơn hẳn, không còn cảnh vứt rác ven đường hay rác thải chất thành các bao tải chờ thu gom.
Chủ tịch UBND xã Minh Sơn Đặng Sỹ Thu cho biết: Việc thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đã đạt hiệu quả cao. Người dân đã thay đổi thói quen bỏ tất cả các loại rác lẫn với nhau đem để đi xử lý trong sinh hoạt hàng ngày. Mặt khác, thực hiện phân loại và xử lý rác thải ngay tại gia đình đã giảm tải cho các bãi rác tập trung, giảm chi phí trong việc xử lý rác thải, đồng thời tái sử dụng nguồn hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, từ đó hạn chế việc sử dụng phân hóa học, giảm ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường. Đến nay, tỷ lệ thu gom và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà của xã đạt 87,5%.
Hiện nay, mỗi ngày huyện Ngọc Lặc có khoảng 75,3 tấn rác thải sinh hoạt cần xử lý. Trong đó, chủ yếu là rác thải sinh hoạt, rác hữu cơ chiếm 60%; nilon, nhựa chiếm 15%, còn lại là rác thải khác. Để giảm áp lực rất lớn cho công tác thu gom, xử lý rác của địa phương. Huyện Ngọc Lặc đã triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình tại các xã Minh Sơn, Nguyệt Ấn, Ngọc Liên, thị trấn Ngọc Lặc với nhiều hộ gia đình tham gia. Cùng với việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, địa phương đã cấp phát thùng chứa rác tự chế.
Bên cạnh đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện phối hợp các ngành, đoàn thể phát động phong trào phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nhà, lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, các trường học cũng xây dựng chương trình ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh trong việc nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen, tập quán của người dân, để người dân dần hình thành nếp sinh hoạt hằng ngày trong việc giữ gìn môi trường trong sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Lê Công Định, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Lặc, cho biết: "Việc tuyên truyền về mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được triển khai đa dạng, bằng nhiều hình thức. Chúng tôi đã tiến hành rà soát, thành lập các đoàn kiểm tra thực tế việc thực hiện mô hình, nhờ đó, hầu hết các hộ tham gia đều thực hiện đúng quy trình xử lý rác thải hữu cơ. Thời gian tới, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hội viên; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt để nhân rộng mô hình”.
Thanh Nga