Tin mới

Hưng Yên: Xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản” ở khu dân cư

(Mặt trận) -Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát huy tính chủ động, sáng tạo của Nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua ở khu dân cư (KDC), năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên xây dựng, triển khai mô hình “Dòng họ tự quản” với kỳ vọng sẽ phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân, tình đoàn kết bền chặt của các dòng họ để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở KDC.

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Khu dân cư Điện Biên, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) ký cam kết thực hiện mô hình “Dòng họ học tập” 

Ngày 9/3 âm lịch hằng năm, dòng họ Hoàng ở xã Chính Nghĩa (Kim Động) tổ chức lễ giỗ tổ tại nhà thờ với sự tập trung đông đủ các thế hệ con, cháu. Đầu giờ sáng, người cao tuổi tế lễ, kính cáo với tổ tiên kết quả lao động, học tập, công tác qua 1 năm của cả dòng họ; trao thưởng cho các cháu học hành đỗ đạt và bàn công việc của họ trong năm tiếp theo; sau đó cả họ cùng ăn bữa cơm đoàn kết. Ông Hoàng Đình Quý, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Hoàng nói vui: Họ Hoàng chúng tôi phát về đường học hành. Hiện nay, trong họ có hàng chục phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đang công tác tại các cục, vụ, viện, trường đại học; người tốt nghiệp đại học thì không đếm hết. Ngoài việc động viên con cháu học tập thì dòng họ Hoàng duy trì hiệu quả Quỹ khuyến học. Hằng năm, tùy điều kiện mà Hội đồng gia tộc có thư khen, tặng quà, tiền cho những người đỗ đạt, học sinh giỏi, con những hộ gia đình khó khăn... với mức tiền từ 150 nghìn đến 1 triệu đồng/người. Khen người giỏi, động viên người khó khăn, vì vậy trong họ không có cháu nào lưu ban, bỏ học; tỉ lệ học sinh khá, giỏi, đỗ đạt đều đạt trên 85%.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Chương trình số 10-Ctr/TU ngày 20/1/2021 của Thành ủy Hưng Yên về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn thành phố Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hưng Yên đã xây dựng mô hình điểm "KDC thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang" tại KDC An Thịnh (phường Hiến Nam). Điểm nhấn của mô hình là việc thành lập tổ tuyên truyền với nhiệm vụ cùng với các dòng họ vận động Nhân dân chấp hành các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tang; không rắc vàng, mã trên đường đưa tang; không mê tín, dị đoan, hủ tục trong lễ tang; khuyến khích hình thức hoả táng và luân chuyển vòng hoa trong đám tang… Ông Nguyễn Quang Phiệt ở Khu dân cư An Thịnh bày tỏ: Tôi rất đồng tình với chủ trương này bởi nó không chỉ tiết kiệm kinh tế cho gia đình, bớt phiền hà cho dòng họ mà Nhân dân, các cơ quan, trường học không bị “tra tấn” bởi tiếng trống, kèn phóng thanh cả ngày mỗi khi KDC có người qua đời. 

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên cho biết: Thực hiện Công văn số 1672-CV/TU ngày 29/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của MTTQ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng, triển khai mô hình “Dòng họ tự quản” ở KDC giai đoạn 2023 - 2025 với 5 nội dung: Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự; dòng họ tự quản về bảo vệ môi trường; dòng họ văn minh trong việc tang; dòng họ học tập và dòng họ “3 không”. Trên cơ sở Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên khảo sát, lựa chọn mô hình, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ một phần kinh phí vận động, tổ chức ra mắt tổ tự quản. Năm 2023, thí điểm 10 mô hình tại 10 huyện, thị xã, thành phố, sau đó sẽ rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. 

Theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các KDC, dòng họ khi thực hiện mô hình sẽ thành lập “Tổ tự quản” là những người có uy tín để tuyên truyền, giám sát hoạt động. Dòng họ, KDC khi thực hiện mô hình phải có 100% số hộ cam kết tham gia. Mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự” yêu cầu 100% số hộ gia đình thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trong họ không để xảy ra các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật bị xử lý. “Dòng họ học tập” là 100% số trẻ em đến trường đúng độ tuổi, không bỏ học; 70% số người trong họ tự giác học tập thường xuyên, tích cực tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài; có từ 90% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. “Dòng họ tự quản về bảo vệ môi trường” là các gia đình phải tuân thủ việc thu gom, xử lý rác thải theo quy định, không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong KDC... 

Tự quản không phải là mô hình mới. Thực tế, nhiều địa phương, tổ chức đoàn thể đã triển khai mô hình tự quản bằng các hình thức khác nhau. Nhiều dòng họ trong tỉnh đã xây dựng quy chế, quy ước nhằm động viên các gia đình cùng lưu giữ giá trị truyền thống, giáo dục con, cháu chấp hành pháp luật... Nhiều dòng họ có cách làm hay, sáng tạo như: Dòng họ Tô (Văn Giang), họ Dương ở xã Lạc Đạo (Văn Lâm), họ Đỗ ở xã An Viên (Tiên Lữ)... Tuy nhiên, đó mới chỉ là hoạt động riêng lẻ, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, chưa thể đúc rút kinh nghiệm để các dòng họ khác học tập, triển khai trở thành phong trào rộng khắp. 

Từ chủ trương chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ý tưởng xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản” của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên, hy vọng trong thời gian tới, vai trò của hội đồng gia tộc và những người có uy tín trong dòng họ sẽ được phát huy để mỗi dòng họ trên địa bàn tỉnh sẽ là một dòng họ học tập; mỗi người sẽ có ý thức học tập suốt đời theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; mỗi dòng họ sẽ như một “tấm lá chắn” để đấu tranh, ngăn chặn các hủ tục, tệ nạn và mỗi KDC đều xanh, sạch, đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 

Lệ Thu 

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản