|
Ông Trần Hữu Hào (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) trao tiền hỗ trợ cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. |
Qua đó, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người nghèo, thông qua chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vốn, xây dựng nhà tình thương, tặng quà... được thực hiện không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ nguồn lực cộng đồng.
* Đưa chính sách hỗ trợ đến với người nghèo
5 năm qua, từ nguồn ngân sách tỉnh và địa phương đã triển khai nhiều chính sách giảm nghèo. Trong đó, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã giúp cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để tự tạo việc làm bằng việc chăn nuôi, buôn bán nhỏ, đầu tư máy móc làm việc tại nhà. Nguồn vốn vay này còn giúp các gia đình hoàn cảnh khó khăn đầu tư cho con cháu học tập, thực hiện các công trình nước sạch…
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, từ năm 2016 đến nay, đã có trên 33,6 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng số tiền trên 1,1 ngàn tỷ đồng; hỗ trợ gần 22,7 ngàn lượt học sinh, sinh viên vay chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số gần 230 tỷ đồng.
Ngày 31-12, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tại hội nghị, Ban tổ chức sẽ tuyên dương 48 tập thể cùng 43 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2016-2020.
|
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam kiêm Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai nhận định, hoạt động cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh đã cơ bản thỏa mãn được nhu cầu về vốn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hạn chế “tín dụng đen” và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, theo ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, tỉnh còn tích cực đưa nhiều chính sách hỗ trợ đến với người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, gia đình khó khăn. Cụ thể, thực hiện chính sách về giáo dục cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có trên 44,5 ngàn lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được miễn giảm học phí với số tiền trên 9,8 tỷ đồng. Đây là giải pháp rất cơ bản giúp nâng cao trình độ văn hóa cho hộ nghèo hướng tới tương lai thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, từ chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo đã mua và cấp 298,2 ngàn lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo quy định; trên 30 ngàn lượt người nghèo được hỗ trợ khám chữa bệnh nội trú từ tuyến huyện trở lên (tiền ăn, tiền xe và một phần chi phí khám chữa bệnh) theo quy định.
Riêng chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo đã được UBND các huyện, thành phố thực hiện đúng quy định. Qua đó, đã có trên 44 ngàn lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với số tiền trên 25,8 tỷ đồng. Đồng thời, thông qua chính sách hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho 12 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chính sách hỗ trợ nước sạch đã hỗ trợ thiết bị lọc nước nhỏ lẻ hộ gia đình cho 3 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cùng với đó, dự án khuyến nông hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông nghiệp cho hộ nghèo đã tổ chức 105 lớp tập huấn về kỹ thuật, chuyển giao quy trình sản xuất về cây trồng, vật nuôi. Sau tập huấn đã có gần 1,3 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được hỗ trợ về cây, con giống, vật tư, thức ăn gia súc với kinh phí 16 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh, huyện.
Riêng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được các địa phương tổ chức xây dựng và phê duyệt thực hiện 77 dự án ở 317 lượt xã. Qua đó, có 3,5 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia. Điểm đáng nói là ngoài ngân sách nhà nước đầu tư trên 37,2 tỷ đồng, các hộ tham gia dự án đã đóng góp nguồn vốn gần 25 tỷ đồng để cùng thực hiện dự án.
Tại H.Định Quán, thông qua dự án Chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững, đã có 403 hộ được hỗ trợ vốn để chăn nuôi bò, dê, mua xe máy để chạy xe ôm, mua ngư cụ để đánh bắt cá, có vốn thu mua phế liệu... Ngoài ra, 53 hộ nghèo, cận nghèo trong số các hộ dân này còn được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt huyện phụ trách, hỗ trợ thêm về kinh phí xây dựng nhà ở, vốn... Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, đến nay đã có 247 hộ vượt nghèo và 56 hộ đã chuyển sang cận nghèo.
Ông Điểu Mạnh (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) cho biết: “Năm 2019, tôi được nhận số tiền 19 triệu đồng từ dự án để mua 1 con bò giống về nuôi. Nay tôi đã có 3 con bò. Đây là nguồn tích lũy lớn nhất của gia đình. Ngoài ra, tôi còn được địa phương hỗ trợ tiền để xây dựng căn nhà kiên cố”.
* Nhiều mô hình từ cộng đồng
Cùng với các chính sách giảm nghèo từ ngân sách nhà nước, 5 năm qua, việc vận động các tầng lớp nhân dân chung sức tham gia giảm nghèo bền vững xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các mô hình giúp nhau vốn không lấy lãi, giúp nhau về vật tư và cây con giống, hộ khá giúp đỡ các hộ khó khăn bằng nguồn vốn nhàn rỗi, trợ cấp hằng tháng cho người kém may mắn… đã huy động được nguồn lực trên 65,6 tỷ đồng, trên 100 ngàn ngày công lao động.
|
Ông Điểu Mạnh (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) bên đàn bò của gia đình từ nguồn vốn của dự án Chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững tại H.Định Quán |
Mỗi tháng, Ban Hành giáo giáo xứ Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) đã kêu gọi được các nhà hảo tâm hỗ trợ 100 cụ già neo đơn, khó khăn mỗi người 10kg gạo và 100 ngàn đồng. Qua 5 năm, đã có 60 tấn gạo cùng 600 triệu đồng tiền mặt được gửi tới những người cao tuổi này.
Ông Sằn Sình Hứng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sông Thao (H.Trảng Bom) cho hay, 5 năm qua, nhân dân trên địa bàn đã tham gia đóng góp 150 triệu đồng vào các cuộc vận động như: Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Chăm sóc trẻ em. Đồng thời, bà con còn đóng góp 9 tỷ đồng để nâng cấp được 11 tuyến đường dài 7,8km, xây dựng và sửa chữa 25 căn nhà đại đoàn kết.
Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp tùy theo chức năng và nhiệm vụ đã có các hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, giảm nghèo, giúp đỡ tạo việc làm, kinh nghiệm làm ăn giúp người nghèo tự tin để vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, đã vận động, giám sát và trực tiếp phân phối đến người nghèo, hộ nghèo bằng hoạt động xây dựng nhà ở… với tổng trị giá trên 2,4 ngàn tỷ đồng.
Tiêu biểu trong số này có thể kể đến Hội nông dân các cấp đã vận động giúp đỡ cho 7,2 ngàn hộ nghèo bằng hình thức cho mượn vốn không tính lãi, hỗ trợ cây, con giống và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất có hiệu quả… với tổng trị giá 34 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động được trên 926 ngàn suất quà tặng hộ cận nghèo, người neo đơn, bất hạnh. Bên cạnh đó, thực hiện cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, Hội đã giúp đỡ 12,5 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn thông qua hình thức trợ cấp hằng tháng, hằng quý… với tổng trị giá 696 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên vận động các cá nhân, doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo tham gia ủng hộ kinh phí, vật chất hỗ trợ người dân khó khăn. Kết quả, toàn tỉnh đã chi hỗ trợ và tiếp nhận phân phối hàng hóa đến nhân dân và các ngành liên quan với tổng trị giá 956,7 tỷ đồng. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ cho trên 2 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Trần Hữu Hào (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), người đã tham gia ủng hộ 145 triệu đồng hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bộc bạch: “Thời điểm người dân lâm vào cảnh khó khăn, nhiều trẻ em mất cha, mất mẹ đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, trong khả năng của mình tôi cố gắng tham gia đóng góp. Mong rằng sẽ ngày càng có thêm nhiều nguồn lực xã hội cùng chính quyền chăm lo cho người khó khăn”.
Văn Truyên