|
Người dân các khu dân cư tại phường Đông Lương, TP. Đông Hà tham gia các trò chơi trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh: P.N |
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Việc tổ chức ngày hội được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm.
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (KDC) từng bước có sức lan tỏa trong đời sống của Nhân dân. Trên 98% KDC đều tổ chức thực hiện cả phần lễ và phần hội thu hút hơn 80 vạn lượt người dân tham gia, riêng 2 năm 2020, 2021 do thiên tai, dịch bệnh nên việc tổ chức ngày hội chủ yếu là phần lễ.
Trong phần hội, đã tổ chức nhiều hoạt động như: hội thi các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể dục - thể thao... khơi dậy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước nhằm nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tiêu biểu như: huyện Hướng Hóa, Đakrông tổ chức lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều; huyện Vĩnh Linh tổ chức thi kể truyện trạng Vĩnh Hoàng, Bài chòi; huyện Hải Lăng tổ chức đua thuyền truyền thống... Bên cạnh đó, mặt trận các cấp đã phối hợp tổ chức biểu dương, khen thưởng hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp ở địa phương.
Trong 20 năm đã biểu dương, khen thưởng 16.300 tập thể, 75.200 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho địa phương. Ngày hội cũng được xem là giải pháp phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, thực hiện các tiêu chí về nhà ở dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, môi trường, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và thị trấn, phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Đã vận động Nhân dân tham gia đóng góp trên 110 triệu ngày công, đóng góp 459 tỉ đồng, làm mới và sửa chữa 3.714 km đường giao thông, xây dụng 65 cổng làng; nạo vét, nâng cấp 547 km kênh mương nội đồng, hiến trên 771.913 m2 đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng, huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 140 công trình: trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, trung tâm học tập cộng đồng ở KDC, tổng trị giá: 78,97 tỉ đồng.
Giai đoạn 2003 - 2023, Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Cứu trợ” các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 490,6 tỉ đồng; qua đó, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 13.198 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo trị giá 204,34 tỉ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2.011 người, trị giá hơn 7,74 tỉ đồng; hỗ trợ cho 10.165 học sinh nghèo, trị giá 5,1 tỉ đồng.
Hỗ trợ khám chữa bệnh cho 5.039 người, trị giá 5,68 tỉ đồng, hỗ trợ khó khăn với 120.102 suất quà tổng trị giá 48,5 tỉ đồng; hỗ trợ khôi phục sản xuất sau mưa lũ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai trên 25 tỉ đồng; hỗ trợ xây dựng 15 nhà chống bão, lụt cho các vùng trọng yếu ảnh hưởng thiên tai và 125 công trình dân sinh 78,97 tỉ đồng; hỗ trợ khác 12,92 tỉ đồng...
Toàn tỉnh đã vận động được 180,45 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở và chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách... trong đó xây mới 2.734 nhà tình nghĩa và sửa chữa 623 nhà ở, tặng 6.194 sổ tiết kiệm cho người có công. Đến nay, tỉnh cơ bản giải quyết nhà ở cho các đối tượng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, thương binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà tạm bợ, dột nát; 26/26 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được phụng dưỡng; 97,47% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống trung bình trở lên, đã công nhận 109 xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, đạt 87%.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Quy ước, hương ước của KDC được xây dựng, bổ sung và tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn; tính tự giác trong việc thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng KDC được phát huy; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các phong trào ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; gia đình, dòng họ hiếu học được khơi dậy, có tác dụng tốt đối với gia đình và xã hội.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở KDC được giữ vững; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 98/125 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn, đạt 78,4%, có 772/800 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao, đạt 96,5% góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần ở các KDC được nâng lên.
Trong giai đoạn mới, ý nghĩa thực tiễn của ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được khẳng định trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội ở địa phuơng, KDC, tạo tiền đề để MTTQ Việt Nam, hệ thống chính trị các cấp tập họp, đoàn kết và phát huy hiệu quả vai trò khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XII đề ra, phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.
Phúc Nguyên