Huyện Krông Pa có 14 xã, thị trấn với 77 thôn, buôn, tổ dân phố. Trong đó, 60 thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 13.054 hộ/64.150 khẩu, chiếm 65,7% dân số toàn huyện. Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện trong 20 năm qua đã đạt được nhiều kết quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững, mối quan hệ giữa các dân tộc ngày càng gắn bó, đoàn kết.
Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và huy động xã hội hóa, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp cùng các cấp, các ngành xây dựng, sửa chữa 254 căn nhà “Đại đoàn kết”; tặng hơn 200.000 suất quà cho hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức tuyên truyền được trên 120 buổi với gần 15.000 lượt đoàn viên, hội viên và người dân tham dự; thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, xây dựng gia đình điển hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Toàn huyện đã thành lập được 77 tổ hòa giải với 599 hòa giải viên; đã hòa giải thành 234 vụ việc trong cộng đồng dân cư.
Ông Rơ Ô Bhót-Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Du (xã Chư Rcăm) cho hay: Buôn Du có trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Được Nhà nước hỗ trợ con giống, vay vốn ngân hàng nên bà con có điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
“Được người dân tín nhiệm, mình phải gương mẫu trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Mình còn vận động bà con đóng góp ngày công, hiến đất để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, mình tuyên truyền cho bà con nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối không nghe lời kẻ xấu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”-ông Bhót chia sẻ.
|
Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa trao kinh phí hỗ trợ làm nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo. |
Từ các phong trào thi đua yêu nước, huyện Krông Pa đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường trong các tầng lớp nhân dân để phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đồng thời, ngày hội đã tạo được sức mạnh tổng hợp, khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh kinh tế của huyện. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các khu dân cư trên địa bàn huyện đã vận động người dân đóng góp trên 3 tỷ đồng, hiến gần 30.000 m2 đất và tham gia gần 10.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng. Cuối năm 2022, toàn huyện còn 3.244 hộ nghèo (chiếm 15,69%) và 2.512 hộ cận nghèo (chiếm 12,15%).
Ông Rơ Com Châm (buôn Ma Rôk, xã Chư Gu) cho biết: “Nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, diện mạo nông thôn đã thay đổi nhiều. Đường sá đi lại thuận tiện, các cháu nhỏ được đến trường, người dân đau ốm thì đến cơ sở y tế để chữa trị. Ngoài ra, người dân cũng tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình ngày càng khá hơn”.
Còn ông Nguyễn Đình Biên-Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Chư Jút (xã Chư Gu) thì cho hay: Buôn Chư Jút được sáp nhập từ thôn Kiến Xương, buôn Bát và buôn Đuk. Buôn hiện có 409 hộ với hơn 1.639 khẩu, trong đó, người Jrai có 256 hộ với hơn 1.100 khẩu. Thời gian qua, hệ thống chính trị đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trên 90%; 100% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
|
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trao sinh kế cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đất Bằng |
Ông Ksor Ngak-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho biết: Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, vị trí, vai trò của MTTQ các cấp ngày càng được nâng lên. Ngày hội được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong đó, Mặt trận các cấp giữ vai trò nòng cốt, quan tâm triển khai sâu rộng đến từng hộ gia đình và được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Qua đó, những giá trị văn hóa dân tộc đã được gìn giữ và phát huy, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng đã phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Đây là diễn đàn dân chủ hàng năm để đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị gắn bó mật thiết với người dân; tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải đáp những vấn đề bà con quan tâm”-ông Ksor Ngak thông tin thêm.
LÊ NAM