Tin mới

Ký ức Điện Biên: Gặp những “huyền thoại sống”

(Mặt trận) -Chiến dịch Điện Biên đã lùi xa 70 năm. Những người con xứ Thanh trực tiếp góp phần làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giờ người còn người mất. Nhưng với họ, ký ức về một thời máu lửa, về những năm tháng “khoét núi, ngủ hầm” vẫn như còn đâu đó mới ngày hôm qua.

Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Phước Đông: Quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Trị: Đẩy mạnh huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

 Ông Phạm Văn Thảo (ngồi ở giữa)- người cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Chung.

Căn nhà nhỏ của ông Phạm Văn Thảo, trú tại phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) nằm sâu trong con ngõ được bao phủ bởi những tàng cây lưu niên rợp bóng. Đón chúng tôi trong bộ quân phục màu cỏ úa đã bạc màu, ở tuổi 93, ông đã không còn minh mẫn, lưu loát trong từng câu nói. Nhưng khi có người gợi lại ký ức một thời chiến chinh xưa, đầy hào hùng và bi thương, mắt ông lại ánh lên, chất chứa những xúc cảm không thể kìm nén. Với ông, 70 năm qua vẫn chỉ là một cái chớp mắt của cuộc đời.

“Đồng đội tôi – những người may mắn trở về sau cuộc chiến giờ cũng còn ít lắm. Cứ đến dịp này, những khuôn mặt thân quen từng chia ngọt, sẻ bùi lại hiện về trong tâm trí. Muốn quay lại chiến trường xưa, thắp cho những người đã ngã xuống một nén hương, đến thăm những người còn sống nhưng mắt đã mờ, chân đã run nên đành gác lại thôi”- giọng ông Thảo run run xúc động.

Ông Thảo vốn là lính công binh thuộc Đại đội 3, D4, Đại đoàn 316 – đơn vị trực tiếp đột phá mở cửa cứ điểm cuối cùng, bắt sống tướng De Castries và kết thúc cuộc chiến. Giữa những bề bộn ký ức, lúc nhớ, lúc quên, ông kể: Sau khi các đơn vị bạn đã bóc hết vòng ngoài Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, toàn quân như nước vỡ bờ, hừng hực khí thế, rầm rập tiến qua cầu Mường Thanh. Vào 5 giờ chiều ngày 6/5/1954, ông cùng đồng đội vào tháo gỡ quả bom từ trường được địch gài ở hàng rào dây thép gai, sau đó cắt gỡ, đặt bộc phá đánh tạo cửa mở vào trung tâm cánh đồng Mường Thanh. Giữa màn mưa bom bão đạn, đồng đội ông nhiều lớp đã ngã xuống nhưng lớp trước nằm xuống, lớp sau ào lên, với khí thế hiến dâng tất cả cho nền độc lập của dân tộc.

“Ngày ấy, lớp thanh niên chúng tôi vào trận và xem cái chết nhẹ như không. Tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”… Tất cả như mới xảy ra ngày hôm qua thôi”- ông Thảo nhớ lại.

Sau những ký ức chắp nối, ông Thảo đem chiếc bằng khen lớn có gắn đầy huân huy chương chiến công được giữ gìn hết sức cẩn thận. Với ông, đây những kỷ vật đã gắn bó máu thịt, đi cùng ông suốt nhiều thập kỷ qua.

Rời thị trấn Rừng Thông, chúng tôi tìm về thị trấn Hiền Hậu, huyện Thiệu Hóa để gặp chiến sĩ anh nuôi - cựu chiến binh Hà Tiến Toại. Cũng như ông Thảo, ông Toại không kìm được cảm xúc khi nhắc về những trận đánh, những mất mát hy sinh của đồng đội xưa. Là lính hậu cần, đơn vị của ông phụ trách việc lo từng nắm cơm, bình nước cho đồng đội nơi chiến tuyến. Có những lần, ông cùng anh em trong trung đội đưa cơm lên đến chiến hào thì thương vong gần hết. Có nắm cơm đến được tay chiến sĩ đã nhuộm đỏ máu của anh nuôi.

"Có những lần, khi đem cơm lên đến chiến hào lại đành phải đem về nguyên vẹn vì anh em mình đã hy sinh cả rồi. Đau đớn lắm! Để có hòa bình hôm nay đã phải đổi bằng biết bao xương máu của cha ông nên tôi luôn dạy bảo, dặn dò con cháu phải biết quý trọng hòa bình, “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”, gắng học tập để góp sức mình xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc"- ông Toại nói.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với cựu chiến binh Điện Biên Phủ - những người lính Cụ Hồ đã để lại ấn tượng rất sâu sắc. Tất cả họ đều bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi tuổi đời còn rất trẻ và với một tâm thế hiên ngang "không có gì quý hơn độc lập tự do". Năm tháng thanh xuân gửi lại chiến trường, sự hy sinh, cống hiến của họ đã góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

70 năm qua, trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ, những người lính năm xưa dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng vẫn gìn giữ, phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Ký ức về những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu gian khổ, ngoan cường, ký ức về sự hy sinh dũng cảm của biết bao đồng chí và ký ức về chiến thắng lịch sử 7/5/1954 vẫn luôn là những phần đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất, không thể phai mờ trong tâm thức của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Nguyễn Chung

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản