(Mặt trận) -Trước Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, về thôn Trí An, xã Nam Hoa, huyện Nam Trực (Nam Định), chúng tôi được gặp cựu chiến binh Trần Văn Tuất - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
|
Ở tuổi ngoài 90, cựu chiến binh Trần Văn Tuất vẫn mạnh khỏe, là tấm gương sáng cho con cháu. Ảnh: Duy Hưng. |
Bên ấm trà, người cựu chiến binh nay đã 91 tuổi chia sẻ, năm 1951, ở tuổi 18, vào giai đoạn cả dân tộc đang dốc sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp, như bao thanh niên cùng thế hệ khác, ông Tuất rời làng quê, nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 (sau là Sư đoàn 304), đóng quân tại Thanh Hóa.
Cục diện chiến tranh ở Đông Dương dần thay đổi, tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Trong bối cảnh đó, theo lệnh của cấp trên, 71 năm trước chàng lính trẻ Trần Văn Tuất cùng đồng đội ở Trung đoàn 57 hành quân thần tốc từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) về phía Tây, lần lượt qua Ngọc Lạc, Suối Bút, Mộc Châu rồi quay về hướng đông, qua Thanh Sơn, vượt sông Hồng, “ém quân” tại địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Đến ngày 6/1/1954, ông cùng đồng đội tiếp tục nhận lệnh vượt sông Hồng, theo đường công binh và đường thanh niên xung phong mới mở qua Lũng Lô, Nghĩa Lộ, Cò Nòi, Sơn La để lên Điện Biên. Sau hơn một tháng hành quân ròng rã, vượt núi, băng rừng, ngày 8/2/1954 chàng lính trẻ Trần Văn Tuất cùng đồng đội đặt chân đến trận địa Hồng Cúm - nơi ít ngày sau các chiến sĩ ta bắt đầu “sống mái với quân thù” sau những ngày gian khó đào hầm hào chuẩn bị trận địa.
Cụm cứ điểm Hồng Cúm nằm ở phía Nam tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (giữa là cụm cứ điểm Mường Thanh, phía Bắc là phân khu bao gồm các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo), được bao bọc tứ bề là đồng ruộng, từ rìa lòng chảo vào khoảng 3 - 4km; được quân Pháp thiết lập 3 đồn bốt ở hai bờ sông Nậm Rốm với hỏa lực mạnh, có cả sân bay nhằm yểm trợ cho cứ điểm Mường Thanh “khống chế” lòng chảo Điện Biên. “Chiến lược, chiến thuật của quân ta khi đó là bao vây, cô lập cụm cứ điểm Hồng Cúm để chặn quân Pháp từ đây kéo về chi viện cho trung tâm Mường Thanh hoặc chạy sang Lào” - ông Tuất nhớ lại.
Theo người cựu chiến binh, vừa đặt chân đến Hồng Cúm các chiến sĩ đã nhanh chóng bắt tay ngay vào việc đào hầm, hào, chuẩn bị trận địa. “Đào ngày đào đêm, nghỉ xong lại đào, đến bữa thì anh nuôi mang đến cho nắm cơm, ăn xong rồi lại đào. Lúc đầu hệ thống giao thông hào còn cách xa đồn địch, rồi cứ thế gần dần, tiến sát, chạy dọc, rồi luồn qua cả hàng rào đồn địch. Cuối cùng thì hình thành một trận địa hình cánh cung, từ đông sang tây, cắt rời phân khu Hồng Cúm với trung tâm Mường Thanh” - ông Tuất nhớ lại.
Tuy nhiên, theo người cựu chiến binh, dù ở thế “từ trên cao đánh xuống”, “ở quanh núi vây địch giữa thung lũng”, “dùng núi khống chế đồng bằng” nhưng quân ta cũng gặp nhiều bất lợi, đó là phải đối mặt với một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh được quân viễn chinh Pháp thiết lập dựa lưng vào nhau; đối mặt với bãi dây kẽm gai và bãi mìn dày 50-70m và là mục tiêu của “lưới lửa đạn” dày đặc được pháo binh mạnh của địch yểm hộ. Và, phải “quần nhau với địch” giữa cánh đồng, dưới tầm hỏa pháo dày đặc cùng các loại máy bay địch ngay giữa ban ngày.
Trong thế cuộc ấy, các chiến sĩ ta lần lượt trải qua gần 40 ngày đêm “sống mái với quân thù”, mở đầu là trận chống lại cuộc phản công của quân Pháp từ Mường Thanh được chúng tiến hành từ ngày 27/3, tiếp đến là trận phản công được địch tiến hành từ ngày 31/3; cuối cùng là giai đoạn bao vây, tiến vào đồn địch, kết thúc thắng lợi vào ngày 7/5.
“Trên đường đến chiến thắng, có những thời điểm quân ta, kể cả những người bị thương phải giật dây lựu đạn chờ xì khói rồi mới ném thẳng vào quân địch. Khi lựu đạn hết thì phải dùng cả búa, kìm, cờ lê, chân súng gãy... đánh giáp lá cà. Hy sinh, mất mát không thể kể hết” – ông Tuất nghẹn ngào.
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng, ông Trần Văn Tuất tiếp tục gắn bó với Trung đoàn 57, đến năm 1960 thì xuất ngũ. Trở về quê ông được giao nhiệm vụ làm Xã đội trưởng. Khi đang làm Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hoa ông lại tái ngũ vì cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng cam go. Sau giải phóng miền Nam ông về công tác tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Ninh cũ (huyện Nam Trực và Trực Ninh, tỉnh Nam Định ngày nay), đến năm 1982 thì nghỉ hưu. Niềm hạnh phúc lớn của ông là từ đó đến nay được sống khỏe mạnh, quây quần bên đại gia đình với rất đông con, cháu, chắt.
Duy Hưng