Tin mới

Lấy công nghiệp, dịch vụ là nền tảng xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao tại Hà Nam

(Mặt trận) - “Không phải hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới là dừng lại. Xây dựng nông thôn mới không có đích đến cuối cùng. Phải luôn thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới để làm tiền đề cho quá trình đô thị hóa”.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 - Ảnh: VGP./Đoàn Bắc 

Đó là những chỉ đạo mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đưa ra tại buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 diễn ra ngày 13/1 tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Hà Nam là địa phương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, có vị trí địa lý quan trọng nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ, thuộc vùng Thủ đô Hà Nội.

Với mạng lưới giao thông rất thuận lợi, cùng với điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, đặc điểm văn hóa đa dạng và phong phú, tỉnh Hà Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Giai đoạn 2016-2020, GRDP tăng bình quân 10,1%/năm. Quy mô kinh tế hiện nay đã tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015. Trong những năm qua, Hà Nam luôn tập trung phát triển thương mại, dịch vụ phát triển, đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp của vùng.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới mới nâng cao để làm tiền đề cho đô thị hóa

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, 12 và Dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 tiếp tục khẳng định: Tái cấu trúc nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên cả nước.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện đồng loạt trên cả nước, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn đã và đang ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, của người dân sống ở nông thôn ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố, vững mạnh.

“Kinh tế nông thôn, trong đó có sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh, xuất hiện hàng vạn mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tính đến tháng 12/2020, cả nước đã có 5.506 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62% số xã; 173 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 26% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Đặc biệt, đến nay trên cả nước có 4 tỉnh được được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có tỉnh Hà Nam...

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng hoa chúc mừng tỉnh Hà Nam - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc  

Phó Thủ tướng chia sẻ: “Cả nước đã hoàn thành mục tiêu 5 năm (2016-2020) là đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, sớm gần 2 năm so với mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Đạt được những thành quả to lớn này cho thấy, xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia”.

Hà Nam cần tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu

Riêng với tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, tuy là tỉnh có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp, còn rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn và đã đạt thành tích rất đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước.

“Đến nay, tỉnh Hà Nam đã có 100% số xã (83/83 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư khá đồng bộ. Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao”, Phó Thủ tướng biểu dương.

Với những thành tích đã đạt được, ngày 31/12/2020, tỉnh Hà Nam được Thủ Tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 và là tỉnh thứ 4 trong cả nước được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành quả cơ bản ban đầu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Xây dựng nông thôn mới không dừng lại, không có đích đến cuối cùng. Thay vào đó, phải luôn thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới mới để làm tiền đề cho quá trình đô thị hóa.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Hà Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức để xây dựng nông thôn mới, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thủ đô.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tặng hoa chúc mừng tỉnh Hà Nam - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc  

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Hà Nam phải tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh việc phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tỉnh Hà Nam cũng cần gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị.

“Tập trung phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, Hà Nam có bước tiến mạnh mẽ là nhờ công nghiệp, chính vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh để tạo thêm nhiều việc làm, công nghiệp hóa nông nghiệp để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhìn nhận, Hà Nam có thể tập trung phát triển một số ngành dịch vụ như du lịch, thương mại, vận tải, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa-thể thao… trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hà Nam cần trở thành trung tâm logistics của vùng.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam cần nhanh chóng rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, các quy hoạch hạ tầng khác... Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025, lựa chọn các dự án ưu tiên để tập trung đầu tư trong giai đoạn mới.

“Tỉnh Hà Nam cần ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm về giao thông vận tải, kết nối các vùng, khu vực, trung tâm kinh tế, xây dựng đồng bộ, hiện đại hạ tầng ở các đô thị. Tập trung huy động nguồn lực để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hà Nam tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Phát triển hệ thống y tế, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Tỉnh Hà Nam cũng cần chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; lắng nghe và kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân, không để xảy ra điểm nóng, tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định để phát triển.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản