(Mặt trận) -Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chủ động của người dân, việc phân loại rác thải tại gia đình ở huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
|
Bà Lê Thị Chuyên ở thôn Cổ Phục Bắc (xã Kim Liên) sử dụng phân bón hữu cơ từ mô hình bón cho rau |
Sau gần 3 năm thực hiện phân loại rác thải tại gia đình, bà Lê Thị Chuyên ở thôn Cổ Phục Bắc (xã Kim Liên) đã thấy rõ lợi ích của mô hình này mang lại. Bà Chuyên cho biết do vườn rộng nên mỗi ngày bà dọn dẹp, thu được từ 3-4 kg rác là rau, cỏ. Trước đây, bà chỉ đánh đống ở góc vườn cho khô héo hoặc ủ mục thông thường nên không tận dụng được vào việc gì. Còn hiện nay, bà cho tất cả vào thùng, rắc chế phẩm lên bên trên. Đến khi thùng ủ đầy, phân đã oai mục thì lấy ra bón cho cây trồng. Do được xử lý bằng chế phẩm nên phân bón không có mùi hôi, xung quanh khu vực để thùng rác không có ruồi, nhặng. "Tôi thấy mô hình này thật sự hiệu quả. Phân sạch, bón cho cây rất yên tâm và tiết kiệm được chi phí mua phân bón so với trước đây", bà Chuyên nói.
Với bà Nguyễn Thị Sinh ở thôn Cam Đông (xã Tuấn Việt), phân loại rác thải tại gia đình giúp môi trường sạch sẽ hơn nhiều. Trước đây, bà cho rác vào túi nilon nên lượng rác tương đối nhiều, gần như ngày nào cũng phải đi đổ. Bà Sinh cho biết: "Sau khi được tập huấn, các loại rau, quả, cơm thừa tôi cho vào thùng ủ, chai lọ bỏ túi riêng, còn các loại túi nilon, vỏ ốc, hến... mới mang đi đổ rác. Mỗi ngày lượng rác thải ra không đáng bao nhiêu nên người vận chuyển rác cũng nhàn hơn đôi chút".
|
Các loại rau, quả, cơm thừa được bà Nguyễn Thị Sinh ở thôn Cam Đông (xã Tuấn Việt) cho vào thùng ủ, rắc chế phẩm |
Nhằm cải thiện môi trường, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cho người dân, năm 2021 Hội Nông dân tỉnh Hải Dương triển mô hình điểm nông dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn cho 10 hộ ở xã Liên Hòa. Mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực nên đầu năm 2022, Hội Nông dân huyện Kim Thành phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng 2 mô hình tại các xã Tuấn Việt và Kim Liên với 40 hộ tham gia. Sau 5 tháng, người dân đã tạo được thói quen trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại gia đình. Từ đó, làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm rác thải sinh hoạt phải mang đi xử lý mà lại có nguồn phân bón sạch cho cây trồng.
Với những lợi ích thiết thực đó, Hội Nông dân huyện Kim Thành tiếp tục nhân rộng mô hình tại 6 xã: Lai Vu, Thượng Vũ, Phúc Thành, Kim Đính, Đồng Cẩm, Tam Kỳ; các xã còn lại chủ động xây dựng mô hình. Đến nay, 100% số xã, thị trấn của huyện Kim Thành đều có mô hình nông dân phân loại rác thải tại gia đình. Không chỉ vậy, các xã Đại Đức, Kim Xuyên, Kim Liên đã nhân rộng được mô hình đến đông đảo nhân dân. "Toàn xã có trên 300 hộ áp dụng mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Hiện nay, còn nhiều hộ đã đăng ký tham gia", chị Phạm Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Liên cho biết.
Để có thể duy trì và nhân rộng mô hình, Hội Nông dân huyện Kim Thành cũng có nhiều cách làm. Hội phối hợp tuyên truyền về thực trạng môi trường, mục đích, ý nghĩa của việc phân loại, xử lý rác tại gia đình, kết quả các cấp hội thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt chi hội, tổ… Đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn với việc giao và đăng ký thực hiện các chỉ tiêu thi đua hằng năm. Hằng quý, hội cấp huyện và cơ sở phối hợp kiểm tra, nếu gia đình nào sử dụng thùng đựng rác không hiệu quả sẽ chuyển cho hộ khác thực hiện.
Với những lợi ích thiết thực đó, mô hình phân loại rác thải tại gia đình của huyện Kim Thành xứng đáng để các đơn vị khác học hỏi và làm theo.
THANH HÀ