Tin mới

Long An: Nhân rộng phân loại rác tại nguồn

(Mặt trận) -Việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) không chỉ giảm lượng rác thải, tiết kiệm công sức, chi phí mà còn góp phần thay đổi thói quen, nhận thức của người dân, cộng đồng trong công tác thu gom, xử lý rác sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) tại địa phương.

Diện mạo mới vùng nông thôn Hà Giang

Hiệu quả từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng Công tác Mặt trận ở Lam Sơn

Mặt trận Tổ quốc TX. Cai Lậy: Dấu ấn qua một nhiệm kỳ

 Người dân thị trấn Vĩnh Hưng bước đầu biết phân loại rác tại nguồn

Việc phân loại, thu gom, xử lý rác được quan tâm

Cùng với sự tăng trưởng và phát triển KT-XH của tỉnh Long An là sự gia tăng lượng lớn chất thải rắn cần xử lý. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa được xác định là vấn đề môi trường nghiêm trọng ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại hộ gia đình. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp giảm lượng rác thải cần xử lý, giảm chi phí xử lý rác thải và tận dụng tối đa rác để tái chế và tái sử dụng là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Việc quản lý rác thải được tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 16/8/2018 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Long An; Kế hoạch số 3558/KH-UBND, ngày 14/11/2021 của UBND tỉnh về Quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến 2025; đồng thời, Nghị quyết số 05-NQ/ĐH, ngày 16/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 ở khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%.

Mặt khác, theo Luật BVMT năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022), rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn; các chủ nguồn thải không phân loại rác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới. Vì vậy, việc PLRTN cần được khẩn trương thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Tỉnh được Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) hỗ trợ xây dựng Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện các hoạt động thí điểm từ năm 2018. Dự án đã triển khai thí điểm ở khu vực đô thị, cụ thể là phường 3, TP.Tân An và đạt kết quả khả quan.

Chị Nguyễn Thị Hằng (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “PLRTN giúp thay đổi nhận thức, hình thành thói quen PLRTN của các thành viên trong gia đình và mọi người xung quanh. Tôi chia rác theo từng loại, bỏ riêng vào từng sọt để thuận lợi thu gom, xử lý. Hy vọng, việc làm nhỏ của gia đình sẽ góp phần lan tỏa đến mọi người, cộng đồng cùng chung tay xây dựng, BVMT sống”.

Quyền Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết: Thực tế, qua thời gian triển khai, việc PLRTN trên địa bàn mang lại hiệu quả tích cực. Người dân hưởng ứng tham gia, nâng cao nhận thức, biết cách PLRTN, tạo thuận lợi trong quá trình xử lý, giảm được lượng rác thải. Các đơn vị thu gom nâng cao năng lực chuyên môn. Khi phân loại rác triệt để, từng loại rác có cách xử lý phù hợp sẽ giảm chi phí xử lý và giảm tác động tới môi trường. Thành phố tiếp tục phối hợp, triển khai, nhân rộng trên địa bàn.

Chọn điểm thực hiện ở nông thôn để nhân rộng

Huyện Vĩnh Hưng được chọn thí điểm PLRTN ở khu vực nông thôn. Mô hình được triển khai cho khoảng 3.450 hộ gia đình trong toàn thị trấn Vĩnh Hưng và một phần xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng. Theo kế hoạch thí điểm, các hộ gia đình, nhà trọ, cơ sở sản xuất, trường học, nhà hàng, quán ăn,... sẽ phân rác thành 3 loại: Chất thải thực phẩm - rác hữu cơ; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế - rác tái chế; chất thải còn lại - rác còn lại. Sau khi được phân loại, rác sẽ được thu gom, vận chuyển riêng về Nhà máy Xử lý rác Vĩnh Hưng để sản xuất phân hữu cơ hoặc xử lý riêng theo quy định.

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Tài, mỗi ngày, trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 20 tấn rác sinh hoạt, được thu gom, xử lý tại Nhà máy Xử lý rác Vĩnh Hưng. Công tác thu gom, xử lý rác của huyện được thực hiện tương đối tốt. Để từng bước thực hiện đúng quy định về PLRTN trong Luật BVMT năm 2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thí điểm, huyện phối hợp Sở TN&MT, các đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện, bước đầu tạo được những hiệu ứng nhất định. Các hộ dân tại thị trấn Vĩnh Hưng biết cách PLRTN, lịch thu gom riêng các loại rác và giao rác đúng thời gian quy định, qua đó, góp phần lan tỏa việc PLRTN đến người dân.

Thông tin từ Sở TN&MT, PLRTN có ý nghĩa quan trọng trong công tác BVMT, giảm chi phí xử lý, giảm sự ô nhiễm, tăng hiệu quả về kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay và sắp tới khi dự báo lượng rác thải mỗi ngày sẽ tăng. Đúc kết kinh nghiệm từ mô hình tại phường 3, TP.Tân An, Sở ban hành kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực nông thôn, thí điểm tại thị trấn Vĩnh Hưng và một phần xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, trong đó, chú trọng việc vận hành dây chuyền sản xuất phân compost.

Thực hiện chương trình thí điểm, Sở tổ chức lễ phát động, làm việc và đề nghị huyện phối hợp thực hiện một số nội dung. Trong đó, huyện huy động mọi lực lượng tham gia hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn phù hợp với tình hình thực tế (công tác tổ chức và thực hiện phải đồng bộ, hiệu quả); giải quyết vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư tập trung, các cụm, tuyến dân cư tập trung, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng xả rác thải ra các khu vực công cộng, ven các trục đường giao thông, sông, kênh, rạch,...; xóa các điểm tồn lưu rác thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường khu vực công cộng, đô thị và nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp.

Huyện tổ chức hướng dẫn cộng đồng dân cư PLRTN theo quy định và thu gom rác thải nhựa có thể tái chế; trong đó, phải lưu ý các khu vực công cộng như công viên, chợ, khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, nhà trọ; đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Huyện tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Huyện xử lý nghiêm và kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải sinh hoạt như phân loại không đúng, thải bỏ rác không đúng nơi quy định.

“Việc triển khai, thực hiện chương trình thí điểm PLRTN khu vực nông thôn, cụ thể là tại thị trấn Vĩnh Hưng và một phần xã Thái Trị khẳng định quyết tâm trong việc quản lý chất thải, nhất là tái chế, thu hồi năng lượng từ rác thải. Từ kết quả chương trình thí điểm này, huyện Vĩnh Hưng chủ động triển khai, nhân rộng các xã còn lại trên địa bàn trong năm 2023. Sở TN&MT theo dõi, đúc kết kinh nghiệm mô hình PLRTN và thông báo cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để đồng loạt triển khai trong thời gian tới” - Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành nhấn mạnh./.

Châu Sơn

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản