(Mặt trận) -Những năm qua, cùng với chính quyền, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, động viên nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường. Nhiều phong trào, nhiều mô hình của MTTQ đã mang lại hiệu quả, tạo dấu ấn và sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần làm cho diện mạo các khu dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp.
|
Người dân thành phố Cao Bằng thu gom rác thải nhựa tập trung để tái chế. |
Sạch từ nhà ra ngõ
Ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sông, suối, từ nhiều năm nay, người dân trong xóm Dộc Kít, xã Ngọc Đào (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã quen với những hình ảnh đi tuần tra của tổ bảo vệ tự quản các khúc suối đang chạy ngang qua xóm. Bất kể ban ngày hay ban đêm, nhất là vào những hôm trời mưa, các thành viên trong tổ chia ca đi tuần để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường hợp câu cá, đánh bắt cá bằng điện và các hành vi gây ảnh hưởng môi trường xung quanh khu vực.
Ông Nông Thanh Chính - Tổ trưởng Tổ bảo vệ tự quản khúc suối chạy qua xóm Dộc Kít cho biết, tổ đội bảo vệ khúc suối có từ năm 1995, nhưng đến năm 2013, UBND xã đã ra Nghị quyết bảo vệ quyết liệt khúc suối tại 8 xóm trên địa bàn xã. Từ đó đến nay xóm Dộc Kít duy trì hoạt động của tổ gồm 10 người, chia làm 2 ca để thay nhau đi tuần tra. Do đó, không có hiện tượng câu cá, đánh điện bắt cá trên khúc suối này.
Ông Nguyễn Văn Thuật - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ngọc Đào cho biết, xã đã triển khai thực hiện tốt các mô hình như bảo vệ sông, suối gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn thủy sản để khai thác lâu dài. Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên cũng có các mô hình tự quản để hoạt động. Với việc thực hiện tốt mô hình bảo vệ môi trường sông, suối ở xóm Dộc Kít và nhiều xóm khác trong xã, bà con nhân dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do đó, từ nhiều năm nay, các mô hình về bảo vệ môi trường trong xã đã không ngừng phát huy hiệu quả như: Mô hình tự quản bảo vệ khúc suối, tuyến đường thanh niên tự quản, phụ nữ tự quản. Theo đó, mỗi xóm sẽ thành lập tổ tự quản riêng như với phụ nữ thì thành lập tổ tự quản 5 không, 3 sạch - xây dựng đường hoa; Hội Nông dân thì có mô hình an toàn về giao thông nông thôn; Đoàn Thanh niên thì có mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa...
Tiếp tục nhân rộng các mô hình mới
Trong 5 năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được MTTQ các cấp quan tâm thực hiện. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành để xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có trên 98% phường, xã, thị trấn được công nhận tiêu chí sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch. Nhiều điểm đen về rác thải đã được khắc phục. Các phong trào, các mô hình bảo vệ môi trường ở khu dân cư được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Ý thức của đại bộ phận người dân về bảo vệ môi trường đã được nâng lên.
Ông Lương Tuấn Hùng - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian qua MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Trong công tác này, yếu tố quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, cùng biết, cùng hành động. Chỉ có nhận thức đúng thì hành động mới đúng. Những hành động nhỏ sẽ góp phần hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn đối với môi trường. Do đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân là hết sức quan trọng. Một trong những điểm nổi bật là Ủy ban MTTQ các cấp đã vận động xây dựng “Mô hình khu dân cư thực hiện hài hòa, xóa đói giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường”. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 38 mô hình, trong đó có 32 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Từ việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trên đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và địa phương trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo thói quen sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, đảm bảo vệ sinh môi trường.
“Trong thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ tập trung tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh rác thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển để sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...”, ông Lương Tuấn Hùng chia sẻ.
Với cách làm thiết thực và bài bản đó, các mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả và được lồng ghép với các chương trình xây dựng “nông thôn mới”, “đô thị văn minh”; từ đó tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
PHƯƠNG NGUYÊN