(Mặt trận) -An Tường là phường trung tâm hành chính của thành phố Tuyên Quang. Trong những năm qua, phường An Tường đã được chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường quản lý và chỉnh trang đô thị, nhằm xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị đạt tiêu trí về môi trường sạch - xanh - sáng - đẹp.
Đến nay, các chỉ tiêu về môi trường của phường đã có nhiều chuyển biến tích cực, đó là tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt trên 95%; tỷ lệ rác và rác thải được thu gom, xử lý đạt trên 70%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường thì việc thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, việc lẫn các loại chất thải trong sinh hoạt, đặc biệt là các loại nhựa, túi nilon, thủy tinh…tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải và rác thải nhựa gặp khó khăn, đồng thời gây lãng phí nguồn phân hữu cơ cung cấp một lượng phân bón giàu dinh dưỡng trong chăm sóc cây trồng. Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường và khẳng định rõ vai trò chủ trì của Mặt trận trong việc hiệp thương thống nhất, phối hợp triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản về bảo vệ môi trường ở các khu dân cư, hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”do MTTQ tỉnh, thành phố phát động.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ phường An Tường đã triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ gia đình ký cam kết tự giác thực hiện thu gom rác thải, phân loại rác thải ngay tại gia đình, mỗi hộ có 1 xô đựng rác hữu cơ và 1 xô đựng rác vô cơ; hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần trong sản xuất, sinh hoạt gia đình, giảm thiểu tối đa rác thải nhựa ra môi trường. Đối với những gia đình có diện tích đất rộng, vận động xây bể xử lý rác hữu cơ, vừa giảm thiểu rác thải ra môi trường vừa kết hợp làm phân bón cho cây trồng; xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát, chỉnh trang đường phố sạch, đẹp.
Chỉ đạo, hướng dẫn các Ban công tác Mặt trận ở KDC trong toàn phường chủ trì hiệp thương, phối hợp thực hiện phong trào, gắn với việc “Hoc tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. MTTQ phường và Ban công tác Mặt trận ở KDC đã phối hợp với các tổ chức thành viên tập trung đấy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, nhân rộng và phát huy hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản thu gom, xử lý và chống rác thải nhựa tại địa bàn dân cư.Qua hơn một năm triển khai thực hiện phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường. Tính đến nay, trên địa bàn phường đã thành lập và nhân rộng được 19 mô hình tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa, hoạt động với 85 nhóm và trên 247 thành viên. Các thành viên trong tổ, nhóm tự quản đều rất tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở khu dân cư tham gia phân loại rác thải ngay tại gia đình, khuyến khích việc xây bể xử lý rác thải hữu cơ. Đã phát trên 3.000 tờ rơi tuyên truyền, tài liệu hướng dẫn về phân loại rác thải và chống rác thải nhựa; 250 túi vải thân thiện với môi trường tới các KDC, hộ gia đình.
Thực hiện tốt việc huy động nguồn xã hội hóa từ các đảng viên tổ đảng 213 trên địa bàn ủng hộ số tiền là 45.900.000 đồng để hỗ trợ kinh phí, cấp phát 1.364 xô đựng rác cho 682 hộ gia đình tại 6 tổ dân phố và kèm theo tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại rác thải. Tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức qua hệ thống loa truyền thanh, trực quan qua mạng xã hội zalo, facebook và đặc biệt là sự vào cuộc trách nhiệm, nhiệt tình, tích cực của các thành viên tổ, nhóm tự quản tại khu dân cư. Tiêu biểu đã có 10 hộ gia đình tại các tổ dân phố 7, 8, 12 và 18 tự giác xây bể ủ rác hữu cơ tại vườn của hộ gia đình với kinh phí từ 2 triệu đồng/01 bể. Để sử dụng có hiệu quả bể ủ rác hữu cơ tại hộ gia đình, các thành viên, tổ nhóm tự quản đã hướng dẫn các hộ gia đình về kỹ thuật ủ rác và cách khai thác tính năng của bể sử dụng lâu dài góp phần giảm thiểu tối đa việc ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. 100% các khu dân cư đều đã tổ chức phát động hưởng ứng phong trào rộng khắp đến từng hộ gia đình và tổ chức cho 3.572/3.572 hộ gia đình đã ký cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng được 19 mô hình tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở KDC qua đó đã góp phần tạo chuyển biến tích cực nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về nguy cơ tác hại của việc ô nhiễm môi trường do rác thải, làm thay đổi thói quen vứt rác thải bừa bãi, giữ gìn vệ sinh đường phố luôn sạch đẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tiếp tục triển khai, duy trì có hiệu quả mô hình tự quản về thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” trong thời gian tiếp theo cần tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, sự chủ trì hiệp thương phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể từ phường đến tổ dân phố, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân; phát huy vai trò trách nhiệm tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong quá trình triển khai thực hiện Phong trào tại cơ sở địa bàn dân cư. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức trong công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy được mục đích ý nghĩa của mô hình tự quản ở khu dân cư thực hiện Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" là vì một môi trường sạch, xanh trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo; đồng thời động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, các nhân tiêu biểu trong thực hiện mô hình. Triển khai thực hiện Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" phải đồng bộ tới các hộ gia đình trong khu dân cư với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, tình hình, tính chất của từng khu dân cư, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
Tùng Lâm