|
Xây dựng tuyến đường hoa ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. |
Nhiều hoạt động thiết thực
Một trong những dấu ấn nổi bật của Mặt trận các cấp tỉnh Hậu Giang trong tham gia thực hiện Đề án Hậu Giang xanh là phối hợp với các đoàn thể xây dựng 53 tuyến đường hoa kiểu mẫu theo phương châm “Đường có hoa, nhà có số, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận”, với chiều dài 100km. Để xây dựng 53 tuyến đường hoa kiểu mẫu, các đơn vị phối hợp trồng các loại cây xanh như: tuyết sơn, trâm ổi, ngũ sắc, quỳnh anh, dầu, bằng lăng... với tổng kinh phí thực hiện gần 4 tỉ đồng được vận động từ nguồn xã hội hóa.
Tuyến đường Củ Tre ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ với chiều dài 1,2km được chọn xây dựng tuyến đường hoa kiểu mẫu. Trên tuyến đường này, Mặt trận phối hợp với đoàn thể vận động người dân trồng nhiều loại hoa kiểng có màu sắc khác nhau, trổ hoa quanh năm; kết hợp gắn các bảng tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Vĩnh Viễn, cho biết: “Triển khai xây dựng tuyến đường hoa, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân trồng và thường xuyên tưới nước, bón phân để hoa phát triển tươi tốt. Dần dần mô hình xây dựng tuyến đường hoa đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân”.
Từ sự tuyên truyền, động viên của Mặt trận, đoàn thể ở địa phương, bà Huỳnh Thị Thu, ở ấp 3, hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng tuyến đường hoa sẽ góp phần làm đẹp quê hương nên bà có thêm động lực trồng, chăm chút nhiều loại hoa kiểng. “Rảnh rỗi là gia đình tôi lại chăm sóc hoa kiểng, nhổ cỏ, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà. Mỗi người dân góp sức thì tuyến đường hoa của ấp sẽ nên hình hài, tô điểm thêm nét đẹp vùng quê”, bà Thu chia sẻ.
Không riêng thị trấn Vĩnh Viễn, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Long Mỹ đã lựa chọn đăng ký tối thiểu 1 tuyến đường nông thôn hoặc tuyến đường liên ấp có chiều dài 1-2km, chiều rộng mặt đường 2,5-3,5m để xây dựng tuyến đường hoa. Dọc theo tuyến đường được chọn, Mặt trận phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân trồng cây xanh, hoa kiểng.
Bà Nguyễn Thị Kim Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Chúng tôi yêu cầu các xã, thị trấn xác định việc xây dựng tuyến đường hoa là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 để chủ động thực hiện; trong triển khai phải có chiều sâu, tạo sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thông qua cách làm này nhằm góp phần xây dựng nhiều tuyến đường hoa, tạo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân”.
Cũng theo bà Hân, ngoài phát động xây dựng các tuyến đường hoa, Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện còn ra mắt thực hiện nhiều mô hình góp phần thực hiện Đề án Hậu Giang xanh như: “Ánh sáng nông thôn mới nâng cao” ở xã Thuận Hưng; “Vườn xanh - nhà sạch - ngõ sáng - lộ thông - hè thoáng” ở xã Xà Phiên... Từ những mô hình này góp phần tập hợp sự đoàn kết, đồng lòng, ủng hộ của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch đẹp.
Mặt trận các cấp ở thị xã Long Mỹ cũng có nhiều hoạt động tham gia thực hiện Đề án Hậu Giang xanh. Bà Lữ Kim Thao, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Long Mỹ, cho biết, Mặt trận phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã tổ chức 13 cuộc tuyên truyền các nội dung của đề án, nhất là các nội dung mà người dân trực tiếp thực hiện, có trên 900 lượt người tham dự; cấp phát 1.000 cuốn sổ tay tuyên truyền về phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn và sổ tay quản lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đến người dân.
Mặt trận các cấp trên địa bàn còn tổ chức ra mắt mô hình “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” tại các phường Bình Thạnh, Vĩnh Tường và các xã Long Trị A, Long Trị, Tân Phú; “Tổ tuyên truyền và thu gom xử lý rác thải” ở phường Thuận An. Thực hiện các mô hình này, các đơn vị vận động người dân gắn 274 bóng đèn; trồng hàng rào cây xanh, hoa kiểng, dọn dẹp cảnh quan môi trường, thu gom xử lý rác đúng quy định… Tổng kinh phí thực hiện trên 500 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Ngoài ra, Mặt trận thị xã còn vận động, kêu gọi tất cả các cơ sở thờ tự trên địa bàn tham gia Hội thi “Tôn giáo bảo vệ môi trường gắn với biến đổi khí hậu”. Đến nay, các cơ sở thờ tự đều có cảnh quan đảm bảo các tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp...
Huy động sự tham gia của các tôn giáo
Trong năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát động tổ chức Hội thi mô hình “Tôn giáo với môi trường xanh” (hội thi). Hội thi này đã khơi dậy sự tham gia tích cực của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường, cụ thể hóa thực hiện Đề án Hậu Giang xanh.
Hưởng ứng hội thi, Hội quán Hưng Phụng Tự, khu vực 1, phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, ra mắt thực hiện mô hình “Chung tay bảo vệ môi trường, phân loại rác tạo phân hữu cơ, xây dựng cảnh quan đẹp”. Thực hiện mô hình này, Ban trị sự Hội quán Hưng Phụng Tự tuyên truyền rộng rãi trong bà con tín đồ cách phân loại rác thải tại nguồn thành 2 loại: loại không tái chế được thì để đúng nơi quy định để xe thu gom rác của công trình đô thị đến thu gom; loại rác hữu cơ có thể tái chế thì được ủ trong 2 hố xi măng và 4 bồn ủ bằng composite cỡ lớn. Phân hữu cơ sau khi ủ oai mục được dùng để bón cho rau màu, hoa kiểng.
Ban trị sự Hội quán Hưng Phụng Tự cho biết, thông qua mô hình này, Hội quán và bà con phật tử muốn đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở thờ tự sáng, xanh, sạch, đẹp, cụ thể hóa thực hiện Đề án Hậu Giang xanh.
Không riêng Hội quán Hưng Phụng Tự, các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh đã đăng ký thực hiện hàng chục mô hình tham gia hội thi. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá nhiều mô hình có sự đầu tư chu đáo, được xây dựng đúng chủ đề: “Tôn giáo với môi trường xanh”, “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra và phát huy tốt tính tích cực, chủ động, tự quản trong cộng đồng dân cư.
Theo ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, thông qua hội thi đã giúp cho chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo thay đổi dần nhận thức và có đăng ký hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhờ vậy mà tại nhiều khu dân cư, người dân tích cực tham gia xử lý rác thải, bảo vệ môi trường xanh, nước sạch trong sinh hoạt hoặc trồng cây xanh tạo cảnh quan sạch đẹp.
“Hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo điều kiện cho các tôn giáo chia sẻ kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực bảo vệ môi trường sống của hộ gia đình và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Đề án Hậu Giang xanh”, ông Sơn cho biết thêm.
Những kết quả kể trên cho thấy tổ chức Mặt trận đã tích cực góp sức cùng cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh. Quan trọng hơn, Mặt trận phối hợp cùng các đoàn thể làm tốt vai trò cầu nối để tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa Đề án Hậu Giang xanh, góp phần giúp các tầng lớp nhân dân thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện. Đó là yếu tố rất quan trọng đảm bảo cho Đề án Hậu Giang xanh được triển khai hiệu quả, nhân lên nhiều hành động đẹp trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng Hậu Giang ngày càng xanh, sạch, đẹp.
TRƯỜNG SƠN