Tin mới

MTTQ tỉnh Quảng Ninh tích cực góp sức cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

(Mặt trận) -Nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh đã đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các chương trình hành động, đóng góp to lớn vào những thành tựu phát triển mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trên mọi lĩnh vực.

Bắc Kạn: Cải thiện môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Mặt trận Tổ quốc thị xã Điện Bàn chung tay xây dựng đô thị văn minh

Bình Thuận: Thắt chặt tình đoàn kết qua “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”

Đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động

Giai đoạn 2019-2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, song tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế 2 con số và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Về Quảng Ninh, chúng ta không khỏi bất ngờ trước sự “thay da đổi thịt” của tỉnh trong những năm gần đây, từ nông thôn ra thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đất liền ra hải đảo... Nhân dân phấn khởi, tự hào trước sự phát triển vượt bậc của tỉnh, hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất.

 Lãnh đạo UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và huyện Ba Chẽ thực hiện nghi lễ gắn biển công trình cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 nối Hạ Long - Ba Chẽ - Lạng Sơn chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 (tháng 7/2024).

Hết năm 2022, Quảng Ninh đã “xóa” toàn bộ thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới và hoàn thành Chương trình giảm nghèo theo tiêu chí Quốc gia, trước 3 năm so với yêu cầu của Trung ương. Năm 2023, Quảng Ninh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, trước 2 năm so với kế hoạch.

Đóng góp quan trọng trong sự thay đổi tích cực đó là nhờ MTTQ tỉnh Quảng Ninh không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới, sáng tạo công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, MTTQ tỉnh có vai trò quan trọng trong việc vận động Nhân dân đồng thuận, chung sức thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

MTTQ các cấp trong tỉnh đã thành lập 15.686 Tổ liên gia tự quản về phòng, chống dịch; 100% thôn, bản, khu phố triển khai bổ sung các quy định về phòng, chống dịch vào quy ước, hương ước… Đồng thời, vận động nguồn lực xã hội hóa hơn 236 tỷ đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và kịp thời tham mưu phân bổ nguồn kinh phí này một cách có hiệu quả cao, đúng quy định.

Song song với nhiệm vụ chống dịch, MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các cuộc vận động, phong trào thi đua với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo nhằm phát huy mạnh mẽ sự tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp,… chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương.

Nổi bật là trong phát động, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, MTTQ tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 2.513 ngôi nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền 106,9 tỷ đồng; chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đăng ký, hỗ trợ xây dựng 827 nhà tiêu hợp vệ sinh với tổng số kinh phí 3,308 tỷ đồng, góp phần giúp các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ về đích nông thôn mới…

Đặc biệt năm 2023, MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã tập trung huy động và tổ chức xây mới, sửa chữa 441 nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 37,497 tỷ đồng, qua đó góp phần hoàn thành sớm Chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, thông qua phát động các chiến dịch cao điểm, MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã tích cực khơi dậy và tạo sự đồng thuận tham gia của nhân dân trong công tác GPMB để triển khai các dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn tỉnh như đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường tỉnh 342, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả… vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, vừa rút ngắn thời gian cho công tác GPMB . Nhờ đó nhiều công trình “Ý Đảng - Lòng dân” đã được triển khai kịp tiến độ và đưa vào khai thác sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

Thiết thực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong 5 năm qua, MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã huy động và trao 354.325 suất quà Tết, trị giá hơn 220,34 tỷ đồng. Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, kinh phí thực hiện chương trình “Tết Vì người nghèo” đều được MTTQ các cấp huy động nguồn lực xã hội hóa 100%, không sử dụng ngân sách của địa phương, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội trên toàn địa bàn tỉnh, mọi người dân đều vui Tết.

Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được MTTQ các cấp duy trì tổ chức với nhiều đổi mới, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong 2 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh tổ chức đồng loạt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở 100% khu dân cư trong cùng 1 ngày, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được MTTQ tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức thành viên tích cực tổ chức, triển khai, điển hình như “Liên hoan tiếng hát khu dân cư”, các câu lạc bộ dân vũ… đã tạo sự lan tỏa sâu rộng và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của Nhân dân.

Tăng cường giám sát, phản biện xã hội

Nhiệm kỳ 2019-2024, hoạt động giám sát được MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh chủ động triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với 2.166 chương trình giám sát trên tất cả các lĩnh vực. Giai đoạn này, lần đầu tiên Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử.

Ủy ban MTTQ tỉnh cũng là đơn vị điển hình triển khai giám sát công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, hiệu quả của nhà đầu tư và là tiền đề để thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào Quảng Ninh trong thời gian qua.

Hoạt động phản biện xã hội từng bước được tập trung triển khai, đảm bảo đúng chức năng, trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Đồng thời tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong 5 năm qua, công tác đối ngoại nhân dân của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên MTTQ tỉnh tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2019-2024, Ông Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ tới, MTTQ tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt và trách nhiệm, quyết tâm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh với các đặc trưng cơ bản và những giá trị cốt lõi riêng có của tỉnh “Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ cương - Đoàn kết - Nghĩa tình - Hào sảng - Sáng tạo - Văn minh” làm động lực chủ yếu và là mục tiêu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với đó phát huy vai trò của Nhân dân trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên cần phải được đổi mới mạnh mẽ theo phương châm hướng mạnh về cơ sở để tập trung xây dựng Khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”…

Đây cũng chính là 3 nhiệm vụ đột phá được xác định tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Ngọc Anh 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản