(Mặt trận) -Việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên quan tâm, triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân. Từ đó, góp phần phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
|
Cán bộ, nhân dân xã Nà Hỳ chung sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Sầm Phúc |
Ðể QCDC ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện QCDC từ huyện đến cơ sở; xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo. Cụ thể hóa và thực hiện có nền nếp các văn bản chỉ đạo của cấp trên về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Ðồng thời, phối hợp UBND huyện triển khai chương trình, kế hoạch xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và các phong trào “Thêm việc tốt mỗi ngày”, “Ngày cuối tuần tình nguyện” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bà Lò Thị Lên, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: “QCDC đã và đang được huyện Nậm Pồ thực hiện hiệu quả, tác động tích cực đến công tác tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể, quần chúng. Tạo ra lề lối làm việc theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, lối sống lành mạnh, chống tham nhũng, lãng phí cho cán bộ, đảng viên; xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh…”.
Ðể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, Ban chỉ đạo QCDC huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm QCDC, những vấn đề nổi cộm gây bức xúc dư luận. 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đã giám sát đối với 2 đơn vị; phát hiện những tồn tại, hạn chế, kịp thời đề ra giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện QCDC trong thời gian tới.
Cải cách hành chính được xác định là khâu đột phá trong thực hiện QCDC, vì thế huyện Nậm Pồ tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đổi mới lề lối làm việc theo hướng công khai, dân chủ, gần dân và vì dân. Các quy định về thủ tục, hồ sơ, trình tự, thời gian, lệ phí... được thực hiện đảm bảo. Công tác cải cách thể chế của huyện luôn ở vị trí đứng đầu của tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; cung ứng đầy đủ cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện làm việc, đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết ra tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện và cấp xã. 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện, xã trong 6 tháng đầu năm được giải quyết trước hạn.
Vận dụng tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” các cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động công khai các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, như: Các hạng mục đầu tư khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021, 2022, 2023, xây dựng nông thôn mới; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện về đầu tư các công trình dự án trên địa bàn huyện, xã; khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án, các khoản huy động Nhân dân đóng góp… thông qua họp dân, cuộc họp của HÐND, UBND, các cuộc tiếp xúc cử tri, phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã. Hiện 15/15 xã của huyện có ban thanh tra nhân dân (TTND), ban giám sát đầu tư cộng đồng. 6 tháng đầu năm, các ban tổ chức 30 cuộc giám sát, ban thanh tra nhân dân giám sát 15 cuộc, thực hiện phối hợp giám sát 75 cuộc. 100% xã của Nậm Pồ thực hiện nghiêm túc chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, xây dựng nông thôn mới (121/121 bản có quy ước, hương ước).
Tại xã Nà Hỳ, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC đã duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm việc thực hiện QCDC tại cơ sở; thực hiện cơ chế, chính sách, các dự án, công trình đầu tư, trình tự giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến nhân dân được xã thực hiện công khai, minh bạch. Ông Nguyễn Phú Thiết, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Người dân đã tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; tham gia ý kiến xây dựng hương ước, quy ước, bầu miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng bản; giám sát việc phòng chống tham nhũng, lãng phí. Ðến nay, với sự đồng thuận của nhân dân, xã đã cán đích 16/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; 100% bản đã xây dựng được hương ước, quy ước; thu nhập bình quân đạt 31 triệu đồng/người/năm. Từ đó, ý thức làm chủ của Nhân dân được thực hiện tốt hơn, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết, động viên người dân tích cực góp công, góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng xã Nà Hỳ ngày càng phát triển toàn diện, bền vững.
Thep S.P - Báo Điện Biên