(Mặt trận) -Những năm gần đây, Hà Nội đã xây dựng các chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho đồng đều ở khu vực nông thôn.
|
Thị trấn Đông Anh (Hà Nội) đẩy mạnh xây dựng văn hóa ở cơ sở, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Ảnh: N. Quang. |
Nhờ triển khai đồng bộ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thành tựu xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ kết quả này, đời sống văn hóa tại khu vực nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, khi hệ thống nhà văn hóa được hoàn thiện, cùng với đó là nhiều biện pháp tổ chức hoạt động được triển khai, nhiều nét văn hóa truyền thống được giữ gìn. Nhiều huyện có số lượng nhà văn hóa đạt tỷ lệ 100% hoặc xấp xỉ 100%. Điển hình, như huyện Đan Phượng đến nay có 127/129 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. Con số này ở huyện Đông Anh là 153/155 thôn (100% tổ dân phố đã có nhà văn hóa)…
Tuy nhiên, hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở chưa đồng đều. Một số huyện kinh tế còn khó khăn như: Ba Vì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai…, không chỉ chưa “phủ sóng” được toàn bộ nhà văn hóa mà nhiều nơi, nhà văn hóa đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả, chưa thu hút được người dân. Đặc biệt là việc vận hành hoạt động nhà văn hóa là một vấn đề khá nan giải do thiếu cơ chế, chính sách. Từ thực tế này, thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa sẽ giúp các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong nâng cao đời sống văn hóa tại cơ sở.
Theo bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, trong xu thế nông thôn Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nên các cơ quan cần nghiên cứu đến điều khoản chuyển tiếp đối với những đơn vị thay đổi mô hình đô thị. Đặc biệt, về 19 tiêu chí NTM mới đều liên quan đến văn hóa và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân với mong muốn được đầu tư nhiều hơn, khai thác nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn.
Từ quá trình khảo sát thực tế, nhiều địa phương đã xây dựng mức chi đối với từng loại hình thiết chế cho phù hợp với hoạt động cũng như tình hình kinh tế tại các địa phương. Thí dụ như chi hỗ trợ mua sắm thiết bị một lần phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã; chi hỗ trợ xây dựng tủ sách cho trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã… Bên cạnh đầu tư cơ sở vận chất, các thiết chế văn hóa lâu nay vận hành bằng nguồn kinh phí do địa phương tự bố trí hoặc do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, TP Hà Nội còn dự kiến chi hỗ trợ kinh phí để các xã, thôn tổ chức các giải thi thấu thể thao hàng năm.
Hiện nay, việc TP Hà Nội xây dựng Quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng NTM, giai đoạn 2023-2025 được dư luận, các chuyên gia hết sức ủng hộ. TS Phan Đăng Long - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hà Nội cho rằng, hiện tại, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các cấp phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, chưa thống nhất, đồng bộ, dẫn đến hiệu quả hoạt động có sự chênh lệch. Việc ban hành các quy định sẽ khắc phục sự thiếu thống nhất đồng bộ. Trên cơ sở quan trọng đó, việc làm này sẽ tạo ra một bước quan trọng, tạo điều kiện cho hệ thống các thiết chế được phát huy hiệu quả hơn.
PGS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế (Ủy ban MTTQ TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, cư dân vùng nông thôn vẫn chiếm 55% dân số thành phố, nên việc quan tâm đến đời sống văn hóa khu vực nông thôn là hết sức cần thiết. Nông thôn Hà Nội mang nhiều bản sắc văn hóa độc đáo. Muốn gìn giữ, xây dựng bản sắc riêng thì không thể thiếu các thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nên có đánh giá về thực trạng sử dụng các thiết chế văn hóa tại các thôn xã, nơi nào có hiệu quả, nơi nào thiếu hạng mục gì, cần hỗ trợ bao nhiêu để bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa. Ngoài ra, điều kiện kinh tế mỗi địa phương là không giống nhau, vì vậy, nên có sự “du di” về mức chi chứ không đồng nhất, nơi nào cần hơn thì đầu tư nhiều hơn.
Từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đang ngày càng được hoàn thiện, dần đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phương Nguyên