Tin mới

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc: Khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương

(Mặt trận) -20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trở thành hoạt động thường niên, là dịp để nhân dân gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, chia sẻ về cuộc sống hằng ngày. Ngày hội có ý nghĩa quan trọng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. 

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh

Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ban hành ngày 1/8/2003 đã lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi năm, Ngày hội đều được cấp uỷ, chính quyền, MTTQ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với phương châm vui tươi, trang trọng, thiết thực, hiệu quả.

 Ngày hội Đại đoàn kết năm 2022 tại thôn Ngọc Sơn, xã Quang Thịnh (Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Ảnh: Tùng Chi.

Ngày hội được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác mặt trận về với cộng đồng dân cư. Quá trình triển khai, nhiều địa bàn đã sáng tạo, linh hoạt trong cách thức tổ chức, lựa chọn chủ đề của Ngày hội bám sát nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. 

Vào dịp này, nhiều địa phương phát động các phong trào thi đua như: Xây dựng mô hình gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp; xây dựng nếp sống văn hoá trong gia đình, khu dân cư. Nhờ đó, nhiều tập tục lạc hậu được xóa bỏ, việc xây dựng nếp sống văn hóa chuyển biến tích cực.

Bà Dương Thị Triển, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Yên Thịnh, xã Yên Sơn (Lục Nam) chia sẻ: “Ngày hội của thôn có cả phần lễ và hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; thực hiện theo phương châm “Lấy sức dân để lo cuộc sống cho dân” và chú trọng hoạt động gắn kết giữa các tổ liên gia, hộ gia đình. Cùng nhau “góp công, góp của” chuẩn bị những “bữa cơm đoàn kết”, người dân có cơ hội trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống, từ đó thấu hiểu nhau hơn, nâng cao tinh thần đoàn kết". 

Để hoàn thành mục tiêu đưa xã về đích nông thôn mới, vào ngày hội, thôn vận động con em địa phương ở mọi miền đất nước chung tay xây dựng quê hương. Nhờ đó, nhà văn hóa thôn được xây dựng đạt chuẩn, các trục đường giao thông nội thôn, liên thôn đều đã cứng hoá 100%, góp phần đưa xã Yên Sơn về đích nông thôn mới vào tháng 3 vừa qua.

Ông Chu Bá Tuân, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Việt Yên cho biết, trong 20 năm, toàn huyện có gần 5,6 nghìn lượt khu dân cư tổ chức ngày hội, tạo không khí đầm ấm, vui tươi, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp đã tặng tổng số hơn 18 nghìn suất quà, trị giá 5,7 tỷ đồng; trao kinh phí xây dựng, sửa chữa hơn 900 công trình, nhà đại đoàn kết trị giá 10,6 tỷ đồng.

Lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của Ngày hội

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần tích cực gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng; động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Ngày 18/5, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023. Hai thập kỷ qua, Ngày hội đã góp phần tích cực gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng.

Ông Lê Thành Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Yên nêu kinh nghiệm tổ chức Ngày hội. Đó là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp tạo điều kiện của chính quyền và sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành. 

Cán bộ mặt trận phải phát huy vai trò tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và phối hợp chặt chẽ giữa ban công tác mặt trận với trưởng thôn, tổ dân phố trong việc tổ chức Ngày hội để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, tạo động lực, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của mỗi cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp kịp thời tuyên dương khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân làm tốt, sáng tạo, đổi mới trong tổ chức.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, ý nghĩa của Ngày hội, MTTQ tỉnh Bắc Giang chỉ đạo MTTQ các cấp gắn kết chặt chẽ việc tổ chức ngày hội với phát động, sơ kết, tổng kết các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của địa phương. Đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Sau khi tổ chức có đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo và khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Theo ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang, thời gian tới Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tiếp tục tham mưu tổ chức các đoàn công tác của tỉnh tham dự Ngày hội Đại đoàn kết ở các địa bàn để động viên, khích lệ đồng thời nắm bắt tình hình, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân ở cơ sở. Trong đó chú trọng những địa bàn dân cư khó khăn, xa trung tâm, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cùng đó chỉ đạo MTTQ các cấp tổ chức Ngày hội phát huy sự sáng tạo phù hợp tình hình thực tế của mỗi địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của Ngày hội. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, chủ động đổi mới nội dung, hình thức tổ chức cho cán bộ mặt trận cơ sở để Ngày hội thực sự vui tươi, ý nghĩa.

Ngọc Anh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản