Thoát nghèo nhờ được trao sinh kế
Xã Tiến Thắng (Yên Thế) có 3 thôn đặc biệt khó khăn gồm: Rừng Chiềng, Song Sơn, Hố Luồng với hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số (Nùng, Tày, Sán Dìu). Năm 2022, toàn xã còn 85 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,04%, giảm 1,78% so với năm 2021 và giảm 29,5% so với năm 2015 (năm đầu thực hiện rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều).
|
Nhờ phát huy thế mạnh địa phương, nhiều hộ dân ở xã Quang Thịnh (Lạng Giang) nuôi gà thoát nghèo. |
Theo ông Mã Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã, có được kết quả này là nhờ sự phân bổ, lồng ghép các nguồn lực hợp lý. Bình quân mỗi năm, xã được phân bổ khoảng 7 tỷ đồng từ nguồn vốn T.Ư, tỉnh, huyện cho thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đầu tư cho hạ tầng cơ sở, xã ưu tiên dành hơn 3 tỷ đồng cho các dự án hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo phù hợp với thế mạnh địa phương và nhu cầu thực tế của người nghèo.
Gia đình chị Hoàng Thị Thế (SN 1973), dân tộc Tày ở thôn Hố Luồng là một trong những hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ sinh kế. Chị Thế vẫn còn nhớ, khoảng 10 năm trước, cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn. Do chồng sức khoẻ không tốt nên một mình chị chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, lo trang trải cuộc sống gia đình 5 nhân khẩu, 3 con còn nhỏ. Trở ngại nhất với gia đình lúc đó là không có vốn và chưa tìm được hướng sản xuất phù hợp nhưng chị Thế luôn mong mỏi thoát nghèo.
Nhiều địa phương, đơn vị có cách làm sáng tạo trong hoạt động hỗ trợ hộ nghèo vươn lên. Điển hình như huyện Sơn Động có hình thức khen thưởng các gia đình tự nguyện đăng ký thoát nghèo; huyện Lục Ngạn giao cho các hội, đoàn thể nâng cao hiệu quả của tổ tiết kiệm, tổ vay vốn, cung ứng phân bón trả chậm cho hộ nghèo 9 xã đặc biệt khó khăn; Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu mỗi xã, thị trấn đăng ký giúp đỡ ít nhất hai gia đình hội viên thoát nghèo.
|
Năm 2017, chị và 8 hộ nghèo khác trong xã, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò sinh sản từ dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo của huyện. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tỉ mỉ quy trình nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh, đến nay, chị đã xuất bán được 4 lứa. Từ nguồn tích luỹ, cùng với vay mượn thêm người thân, năm 2019, chị Thế còn cải tạo khu vườn đồi cằn cỗi trồng 50 gốc vải thiều trước đó. Nhờ mạnh dạn đầu tư thêm từ nguồn hỗ trợ ban đầu, năm 2022, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Chỉ khoảng 6 năm trước, giấc mơ thoát nghèo của gia đình anh Tạ Văn Mạnh (SN 1979), thôn Lãng Sơn, xã Đông Hưng (Lục Nam) tưởng chừng như khó thành hiện thực. Đất sản xuất ít, ngoài làm nông, vợ chồng anh Mạnh không có việc làm thêm, điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn. Năm 2019, nhờ Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp, gia đình anh được vay 90 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm (do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý).
Thêm nữa, được cán bộ chuyên môn tư vấn lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp ở địa phương, anh Mạnh đầu tư thêm vốn trồng hơn 1 ha rừng keo và gần 100 cây bưởi Diễn. Lấy công làm lãi, vợ chồng anh chăm chỉ vun trồng, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc của chủ vườn đi trước ở địa phương. Đến nay, rừng keo đang phát triển tốt, chỉ còn hơn 1 năm nữa được thu hoạch, lứa bưởi đầu cho năng suất cao, anh Mạnh đã tự nguyện xin thoát nghèo vào đợt rà soát năm 2022.
Quan tâm bố trí, lồng ghép nhiều nguồn lực
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025), toàn tỉnh còn hơn 17,9 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,81%, giảm 1,46% so với năm 2021; cận nghèo còn hơn 19,7 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 4,2%, giảm 1,04% so với năm 2021. 10/10 huyện, TP đều hoàn thành kế hoạch giảm nghèo năm 2022; riêng huyện Sơn Động, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,8%, giảm 4,98% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra.
Những năm qua, kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra. Có được điều này, ngoài thực hiện chính sách hỗ trợ, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho vùng khó khăn thì việc khai thác thế mạnh địa phương, lựa chọn cây, con giống phù hợp, giúp người dân phát triển mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo là giải pháp quan trọng.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh triển khai 200 dự án, mô hình giảm nghèo với hơn 49 nghìn lượt hộ nghèo tham gia. Một số dự án hiện vẫn duy trì hiệu quả như: Nuôi bò sinh sản tại các xã: Đồng Tiến, Canh Nậu, Tiến Thắng, Đồng Hưu (Yên Thế); trồng cam, bưởi tại xã Lục Sơn (Lục Nam); nuôi dê, ong kết hợp trồng trọt tại xã An Bá, Phúc Sơn, Cẩm Đàn, Đại Sơn (Sơn Động).
Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, thành công lớn nhất của các dự án giảm nghèo là thực hiện việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi theo thời gian triển khai cụ thể và luân chuyển nguồn (dưới dạng vốn hoặc cây, con giống), giúp thêm nhiều người nghèo được tiếp cận với các mô hình sản xuất phù hợp.
Đặc biệt, việc thay đổi phương thức hỗ trợ, chuyển từ "cho không" sang trợ giúp một phần, giúp đỡ có điều kiện đã khắc phục đáng kể tư tưởng trông chờ vào chính sách ưu đãi. Hộ nghèo nhận vốn, giống sẽ có trách nhiệm hơn, mạnh dạn và quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên giảm nghèo bền vững.
Là một trong 5 huyện thuộc diện hỗ trợ của Chương trình 135 (giai đoạn 2021 - 2025), Lục Ngạn còn 81 thôn đặc biệt khó khăn. Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn luôn xác định, muốn kết quả giảm nghèo được bền vững thì trước hết phải khơi dậy được ý chí thoát nghèo của người dân. Mà việc này chỉ đạt hiệu quả nếu người nghèo được hỗ trợ phù hợp.
Chính vì vậy, hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, huyện quan tâm bố trí, lồng ghép nhiều nguồn lực hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người nghèo xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với lợi thế địa phương. Để các mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả, sau khi lựa chọn và bàn giao cây, con giống, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã thường xuyên theo dõi tiến độ triển khai, phổ biến kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh tới người dân.
Tường Vi