Hướng hoạt động về cơ sở
Trên đường đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Tam (SN 1968, ở thôn Hòa Thạnh, xã An Cư, huyện Tuy An) mới được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, bà Phạm Thị Lệ Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tuy An cho biết: Cũng như gần 50 căn nhà khác trong toàn huyện, căn nhà của gia đình ông Tam được hoàn thành từ sự hỗ trợ của phong trào “Hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách” trên địa bàn tỉnh và sự giúp sức của cán bộ Mặt trận thôn, xã, huyện, bà con xóm giềng, với mong muốn hộ nghèo này có nhà ở ấm áp trong mùa xuân mới.
|
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên cùng lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ huyện trao hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho gia đình ông Trần Văn Tam. Ảnh: THÚY HẰNG |
Ngôi nhà Đại đoàn kết kiên cố thay thế cho căn nhà nhỏ ọp ẹp, mưa dột gió lùa là niềm vui không biết nói sao cho hết của gia đình ông Tam. “Gia đình tôi là hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Tôi bệnh tật không làm lụng gì nhiều được, được hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà, 4 triệu đồng hỗ trợ sinh kế, cùng với sự giúp đỡ ngày công, vật liệu xây dựng của bà con làng xóm..., vợ chồng tôi mới xây được ngôi nhà kiên cố này. Ân tình này của mọi người tôi sẽ không bao giờ quên”, ông Tam nói.
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân là công tác luôn được mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Tuy An quan tâm thực hiện, thông qua việc hỗ trợ nhà ở, sinh kế, vận động xã hội hóa tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trong năm 2023, toàn huyện đã vận động Quỹ Vì người nghèo hơn 780 triệu đồng, đạt 104% chỉ tiêu. MTTQ các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiệm thu và bàn giao 48 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách. Đối với công tác an sinh xã hội, toàn huyện vận động hơn 9 tỉ đồng.
Huyện còn chủ động vận động quyên góp và triển khai các hoạt động cứu trợ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Người dân trong huyện tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đóng góp tiền, vật liệu, hiến đất, ngày công lao động để tu sửa, làm mới, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, làm nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, thắp sáng đường quê nhiều tuyến đường...
Qua đó phát huy khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy các nguồn lực đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát huy quyền làm chủ của người dân
Một nét nổi bật nữa của ủy ban MTTQ các cấp huyện Tuy An trong năm qua là đã chủ trì tổ chức giám sát 17 chuyên đề. Trong đó, cấp huyện giám sát 1 chuyên đề về việc thực hiện chương trình hành động của tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND huyện khóa XI từ năm 2022 đến tháng 7/2023.
Ủy ban MTTQ cấp xã chủ trì giám sát 16 chuyên đề, tập trung vào những nội dung người dân quan tâm như giám sát việc giải quyết trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, chi trả tiền điện cho hộ nghèo, các công trình đầu tư ở cơ sở...
Thông qua công tác giám sát, mặt trận các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đánh giá khách quan những kết quả đạt được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời ban hành văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
“Các ý kiến phản ánh, tham gia của MTTQ đã được cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước tiếp thu nghiêm túc và cầu thị. Qua đó, vai trò, vị trí của MTTQ từng bước được khẳng định, góp phần phát huy dân chủ, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tuy An Phạm Thị Lệ Thu cho hay.
Để phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên còn vận động hội viên, đoàn viên, người dân tích cực thực hiện Đề án 01-ĐA/HU ngày 20/7/2022 của Huyện ủy Tuy An về thực hiện mô hình “Tuyến đường tự quản, khu dân cư tự quản: Sáng - xanh - sạch - đẹp” trên địa bàn huyện Tuy An giai đoạn 2022-2025, tham gia các phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng tuyến đường hoa, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Nhìn lại kết quả hoạt động của Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện năm 2023, ông Lê Thành Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tuy An cho rằng đó là một sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của lực lượng làm công tác Mặt trận ở cơ sở.
Thành tích đạt được sẽ tạo tiền đề để Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Tuy An hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2024, với các mục tiêu đề ra, như: Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống Mặt trận; nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; quan tâm công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội; phối hợp với các tổ chức thành viên kịp thời nắm bắt tình hình dư luận xã hội trong các tầng lớp nhân dân phản ánh cấp ủy, chính quyền...
Kết quả hoạt động của Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện năm 2023 thể hiện nỗ lực, quyết tâm rất lớn của lực lượng làm công tác Mặt trận ở cơ sở. Thành tích đạt được sẽ tạo tiền đề để mặt trận các cấp trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2024, với các mục tiêu đề ra.
Ông Lê Thành Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tuy An
|
Theo Báo Phú Yên