Tin mới

Nhiều giải pháp cho môi trường Nha Trang xanh

(Mặt trận) -Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), người dân chủ động thực hiện nhiều mô hình, phần việc liên quan đến bảo vệ môi trường, bước đầu nâng cao nhận thức và trách nhiệm, hình thành lối sống thân thiện môi trường, góp phần tạo nên thành phố xanh - sạch - đẹp.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

Những mô hình hay

“Ngôi nhà nhỏ - Triệu trái tim” ở phường Phước Tân và “Ngôi nhà xử lý pin đã qua sử dụng” của phường Tân Lập là hai mô hình tiêu biểu cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ môi trường ở Nha Trang. Đây là hai mô hình hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn (hộ gia đình).

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Tân Lê Nguyên Phương Thùy cho biết, mô hình “Ngôi nhà nhỏ - Triệu trái tim” triển khai từ tháng 6/2022. “Ngôi nhà nhỏ - Triệu trái tim” có sự mới lạ trong cách gọi, từ đó, người dân sẽ tò mò, tìm hiểu. Các chị em là cầu nối để giới thiệu về ngôi nhà bảo vệ môi trường này.

Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa tái chế được triển khai rộng khắp tại 15 tổ dân phố trên địa bàn phường. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, chiều thứ Sáu hằng tuần, các Chi hội Phụ nữ thu gom vỏ lon bia, chai nhựa, giấy…từ tổ dân phố và mang lên phường đưa vào " ngôi nhà" đặt tại Ủy ban nhân dân phường hoặc khi nhiều sẽ thanh lý lấy nguồn quỹ.

Sau khi có "nguyên liệu", các chị em phân loại tái chế thành vật hữu ích để thực hiện công trình “Nhà sạch, vườn đẹp, cổng rào chắc chắn”. Công trình này giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ phường được cải tạo vườn sạch đẹp, miễn phí, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Các loại rác còn lại không tận dụng được, chị em bán cho cơ sở thu mua phế liệu.

Trong kế hoạch, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Tân sẽ hướng dẫn các cháu làm đèn lồng từ vật liệu tái chế dịp Trung thu này. Qua đây, mỗi học sinh sẽ là tuyên truyền viên bảo vệ môi trường, bằng hình thức đơn giản nhất, phân loại rác thải tại nguồn.

Hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa vừa là hoạt động tuyên truyền hiệu quả vừa là hình thức gây quỹ, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của phường Phước Tân. Theo bà Lê Nguyên Phương Thùy, qua triển khai thực hiện, hiện nay, Hội Phụ nữ thu về được trên 5,2 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trao vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc của phường sắp tới.

 Chị Nguyễn Thị Minh Anh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Tân Lập thu gom pin từ những ngôi nhà thu gom pin qua sử dụng. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Bên cạnh rác thải nhựa, nguồn rác thải độc hại như các loại pin điện tử trong sinh hoạt hàng ngày là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, pin điện tử sau khi sử dụng xong không có nơi thu gom, phải vứt chung vào rác thải nhựa rất nguy hại cho môi trường. Ý tưởng “Ngôi nhà thu gom pin qua sử dụng” của phường Tân Lập ra đời vào tháng 5/2023.

Bà Nguyễn Thị Minh Anh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Tân Lập cho biết, mô hình “Ngôi nhà thu gom pin qua sử dụng” nhằm tuyên truyền rộng rãi trong hội viên, đoàn viên và nhân dân trên địa bàn tác hại của pin khi thải ra môi trường tự nhiên. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. “Ngôi nhà thu gom pin qua sử dụng” được đặt tại các điểm công cộng gồm: Trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản, Nhà Thờ Bắc Thành, Khu chung cư Ngô Gia Tự, khu dân cư hẻm 120 Nguyễn Thiện Thuật. Đây là các điểm có đông dân cư, đặc biệt là học sinh.

Từ khi ra mắt đến nay, phường Tân Lập thực hiện thu gom hơn 105 kg pin các loại (pin tiểu, pin điện thoại, pin đại, pin tròn nhỏ….). Pin sau khi thu gom đưa phường và đưa đi tiêu hủy tại nhà máy xử lý rác thải tại tỉnh Quảng Nam (theo đúng quy định về xử lý chất thải nguy hại).

“Mục tiêu lớn khi thực hiện mô hình này là kêu gọi người dân thay đổi nhận thức, tiến hành phân loại rác thải tại nguồn. Mỗi người mỗi sức nhỏ, sẽ góp phần giúp thành phố xanh, sạch, đẹp hơn”, bà Minh Anh nhận định.

Cùng với mô hình của các phường về bảo vệ môi trường, tại thành phố Nha Trang, nhiều hoạt động của đoàn viên, thanh niên cùng thu gom rác thải nhựa tại vùng ven biển. Hoạt động theo từng đợt cao điểm, nhóm các bạn trẻ Xanh Khánh Hòa đã có chuyến đi đến vùng ven biển của tỉnh để nhặt rác thải, qua đây truyền thông mạnh mẽ về bảo vệ môi trường biển.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng nhóm Xanh Khánh Hòa cho biết, nhóm hoạt động trên tinh thần tự nguyện, hành động vì môi trường sạch hơn. Trước khi thực hiện các hoạt động, nhóm khảo sát địa điểm và báo chính quyền địa phương, từ đó có sự kết hợp của hai bên khi thực hiện. Mới đây, nhóm thu gom rác thải tại vùng biển Khu đô thị An Viên (phường Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên) và khu vực Hòn Chồng.

Nha Trang là thành phố du lịch. Do đó, thành phố sạch đẹp sẽ tạo nên ấn tượng tốt cho du khách, đặc biệt là người nước ngoài khi đến du lịch, chị Vân Anh mong muốn.

Cùng hành động vì môi trường

Theo ông Lê Đại Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang, thành phố hiện chưa có nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại. Toàn bộ rác thải trên địa bàn thành phố được thu gom và chôn lấp tại bãi chôn lấp hợp vệ sinh Lương Hòa (xã Vĩnh Lương). Do đó, việc phân loại rác thải tại nguồn của người dân thành phố góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; giảm thiểu tổng lượng rác thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Việc tách riêng pin đã qua sử dụng với các loại rác thải sinh hoạt khác để xử lý theo quy định có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Thực tiễn triển khai ở các phường đã chứng minh đây là mô hình hay, hiệu quả, sáng tạo, có tính khả thi cao. Đặc biệt, mô hình, phần việc trên không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu tuyên truyền mà hướng dẫn người dân trực tiếp phân loại rác thải chung tay bảo vệ môi trường.

Ông Lê Đại Dương đánh giá, các mô hình của hai phường đặt tại nơi dễ thấy, dễ nhìn, góp phần tác động vào ý thức người dân, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, có sức lan tỏa, khả năng nhân rộng ra xã, phường khác trên thành phố nhằm truyền tải thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Việc bảo vệ môi trường bằng hành động nhỏ như trên góp phần thích ứng biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

 Chị em phụ nữ sau khi phân loại rác tại nguồn, mang rác thải nhựa, tái chế để vào mô hình “Ngôi nhà nhỏ - Triệu trái tim” ở phường Phước Tân. Ảnh: TTXVN phát

Thành phố Nha Trang triển khai Nghị quyết 18 ngày 28/4/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, trật tự xây dựng và trật tự mỹ quan đô thị. Sau hơn một năm triển khai, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, Nghị quyết đã mang đến đổi thay tích cực cho thành phố: vỉa hè thông thoáng, mỹ quan đô thị sạch đẹp… Từ đó, hướng tới mục tiêu thành phố Nha Trang ngày càng đẹp hơn, hiện đại, văn minh hơn, đời sống người dân ổn định và không ngừng nâng cao.Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Nha Trang, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân thành phố, sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn thành phố đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cảnh quan môi trường thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp, là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện môi trường cho du khách trong nước và quốc tế. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố Nha Trang không xảy ra sự cố môi trường, các vụ việc về ô nhiễm môi trường được phát hiện và xử lý kịp thời, ông Lê Đại Dương chia sẻ.

Phan Sáu (TTXVN)

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản